Phụ huynh chặt tre góp sức chỉnh trang trường lớp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước thềm năm học mới, đông đảo phụ huynh ở xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại tất bật lên rừng chặt tre, tham gia phát cỏ dại cùng giáo viên để chỉnh trang cơ sở vật chất trường, lớp chuẩn bị đón trẻ tới trường.

Một buổi học của học sinh tại điểm bản Mường.
Một buổi học của học sinh tại điểm bản Mường.

Góp sức sửa trường

Tà Hộc là xã vùng ba, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn. Xã có 8 bản gồm: Mường, Hộc, Pơn, Phù Tền, Pá Hốc, Mòng, Pá Nó và Bơ. Ở đây dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi hiểm trở và chia cắt. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Vì thế, đời sống vật chất của bà con còn nhiều vất vả, bộn bề.

Dù bận rộn cho việc đồng áng, song ngay khi nghe thông báo của nhà trường (Trường Tiểu học và THCS xã Tà Hộc) và Ban Quản lý bản về “chủ trương” sửa lớp, dọn trường, tất cả đều gác lại công việc nương rẫy. Nhà nhà phân công nhau lên rừng chặt tre, mang hết cuốc, xẻng, liềm… đến trường lao động. Người thì khơi thông cống rãnh, người thì tập trung phát quang cây dại xung quanh trường học.

Loay hoay chặt từng khúc tre làm bờ rào cho điểm trường tiểu học bản Mường (Trường Tiểu học & THCS xã Tà Hộc), anh Hà Văn Tuy kể: “Tôi nghe trưởng bản thông báo trên loa, mỗi hộ có con em đang theo học tại trường thì góp 2 cây tre, đến dọn dẹp vệ sinh trường học. Vì thế, tôi đã sắp xếp thời gian lên rừng chặt tre đúng như kế hoạch. Điều này giúp các con được dạy, học trong điều kiện tốt, gia đình cũng yên tâm hơn”.

Giáo viên và phụ huynh dọn dẹp khuôn viên trường học sau khi bị nước lũ và bùn đất tràn vào.

Giáo viên và phụ huynh dọn dẹp khuôn viên trường học sau khi bị nước lũ và bùn đất tràn vào.

Những ngày hè, tiết trời Sơn La có lúc khá “đỏng đảnh”. Khi thì nắng gay gắt, lúc lại đổ mưa tầm tã, nhưng gần 60 phụ huynh ở bản Mường vẫn miệt mài với phần việc được phân công. Nam giới thì “gánh” các phần việc nặng như: Chặt tre, rồi pha ra từng thanh gọn gàng để làm hàng rào. Một số người phụ trách xe “rùa”, chở đất về đổ vào những điểm sụt lún, rồi lại đào rãnh thoát nước sau trường.

Các mẹ, các chị thì cùng giáo viên tập trung lau dọn phòng học, bàn ghế, quét mạng nhện. Một số người được phân công chỉnh trang bồn hoa, dọn cỏ.

Thầy Lường Văn Cường (giáo viên dạy lớp 4) được phân công phụ trách tại điểm trường bản Mường đã nhiều năm nay bộc bạch: “Hơn 10 năm công tác tại trường thì có 8 năm tôi phụ trách ở điểm trường bản Mường. Điểm trường nằm cách trung tâm xã hơn 10km, 100% là đường đất, đi lại rất khó khăn. Những hôm trời mưa, tôi và các đồng nghiệp phải thuê thuyền để di chuyển xuống trường. Tuy cơ sở vật chất tại điểm trường còn nhiều thiếu thốn, nhưng phụ huynh ở đây rất nhiệt tình và ủng hộ chúng tôi”.

Đông đảo phụ huynh góp sức sửa sang trường, lớp.

Đông đảo phụ huynh góp sức sửa sang trường, lớp.

Sẵn sàng đón trẻ tới trường

“Hàng năm, trước ngày khai giảng, chúng tôi nhờ trưởng bản thông báo tới phụ huynh góp công sức để sửa sang lại trường học. Mọi người đều nhiệt tình, trách nhiệm mỗi khi được huy động. Đáp lại tình cảm của bà con, giáo viên trong trường luôn nỗ lực trong việc chăm sóc, dạy dỗ các em với tinh thần trách nhiệm cao nhất”, thầy Cường nói thêm.

Bản Mường là nơi cư trú của gần 200 hộ người Mường. Bản nằm ven sông Đà, cách trung tâm xã hơn 10km. Mấy đợt mưa vừa qua khiến đường nối từ bản về xã bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Những hôm mưa lớn, toàn tuyến hầu như “tê liệt”, dân bản rơi vào tình trạng bị cô lập với các khu vực lân cận. Vì thế, cuộc sống của giáo viên cắm bản vốn đã khó khăn, lại càng khó hơn. Họ lại phải trông cậy vào sự hỗ trợ của bà con địa phương.

Ông Mùi Văn Chậc - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Mường - cho biết: “Mỗi dịp hè, chúng tôi lại cùng nhà trường vận động phụ huynh sửa chữa trường, lớp để đón học sinh. Vì tương lai con trẻ nên phụ huynh rất nhiệt tình, trách nhiệm. Nhiều người biết các thầy cô vất vả còn hỗ trợ rau và giúp sức sửa chữa vườn tược để trồng rau, nuôi gà, cải thiện cuộc sống”.

Không chỉ ở bản Mường mà phụ huynh toàn xã Tà Hộc đều hăng hái mỗi khi nhà trường có việc cần. Ở đây, các điểm trường lẻ đều cách xa trung tâm. Có điểm cách xa gần 20 cây số, cộng với địa hình hiểm trở nên việc vận chuyển nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giải pháp tối ưu chỉ có thể trông cậy vào sức dân.

Cô Đinh Thị Hồng (giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học & THCS xã Tà Hộc) chia sẻ: “Dù cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, nhưng năm học nào phụ huynh cũng góp sức sửa chữa nên cũng bớt khó khăn. Như trận mưa lũ cuối tháng 6 vừa rồi, toàn bộ khuôn viên trường học bị nước lũ và bùn đất tràn vào. Đông đảo phụ huynh đến phối hợp với giáo viên dọn dẹp vệ sinh. Chúng tôi rất vui trước sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Bản thân tự nhủ với lòng mình rằng sẽ cố gắng hết sức cống hiến cho nơi rẻo cao này”.

Toàn xã có 8 bản với 7 điểm trường tiểu học nhỏ lẻ. Mối lo lớn nhất của chúng tôi khi bước vào năm học mới là củng cố hệ thống cơ sở vật chất, phục vụ dạy học ở các điểm lẻ, vì điều kiện ở đây rất khó khăn. Chúng tôi rất may, có Ban Quản lý và phụ huynh các bản đều nhiệt tình, trách nhiệm nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cho đến thời điểm này, nhà trường đã sẵn sàng để đón các em vào năm học mới. - Cô Lê Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS xã Tà Hộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.