Các tỉnh vùng núi phía Bắc hối hả tu sửa trường lớp đón năm học mới

GD&TĐ - Trước thềm năm học mới không xa, dịch bệnh nhiều nơi đang phức tạp song các địa phương, nhà trường vẫn đang tích cực chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo cho năm học diễn ra thành công.

Trường Tiểu học Chũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) cắt tỉa cành cây trong sân trường.
Trường Tiểu học Chũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) cắt tỉa cành cây trong sân trường.

Đầu tư trọng tâm lớp 1, 2, 6

Trao đổi cùng báo GD&TĐ, ông Phạm Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT Vân Hồ (Vân Hồ - Sơn La) thông tin: Hiện Phòng GD&ĐT đang hoàn thiện gói mua sắm đồ dùng thiết bị dạy học trong đó chú trọng đầu tư cho khối lớp 1, 2, 6 triển khai Chương trình GD phổ thông 2018. Một số thiết bị dạy học được tăng cường như: máy chiếu, ti vi kết nối internet; thiết bị đồ dùng dạy học liên quan đến các bộ môn đặc thù..

Việc tu sửa trường lớp, được các nhà trường tiến hành với những vấn đề cơ bản như: dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa bàn ghế, quét vôi phòng lớp học, tường rào… Trong bối cảnh khó khăn chung, việc xây mới gần như không diễn ra, trừ một số phòng học được đầu tư từ nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Với đồ dùng thiết bị dạy học, năm học này ngành GD&ĐT Vân Hồ dù tăng cường bổ sung thêm nhưng cũng chỉ đáp ứng những thiết bị đồ dung thiết yếu để triển khai CTGDPT 2018.

GV Trường Tiểu học Chũ (Bắc Giang) cùng lao động xây sửa trường lớp.
GV Trường Tiểu học Chũ (Bắc Giang) cùng lao động xây sửa trường lớp.

Thầy Nông Văn Ninh – Hiệu trưởng Trường THCS Pò Tấu (Trùng Khánh – Cao Bằng) cho biết: Năm nay toàn trường có tổng số 266 HS, trong đó có 85 HS lớp 6/2 lớp. Và cũng như nhiều trường THCS khác bước vào triển khai CTGDPT 2018, nhà trường cũng đầu tư trọng điểm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 2 lớp 6 để đảm bảo dạy học hiệu quả.

Đối với SGK, thầy Nông Văn Ninh cho biết đây không còn là vấn đề đáng lo ngại khi bước vào năm học mới bởi phần đông HS nằm trong diện được trang cấp hỗ trợ. Số  HS lớp 6 thuộc diện nghèo nhưng không nằm trong đối tượng được hỗ trợ thì nhà trường sẽ trích kinh phí và huy động GV hỗ trợ. Nhiều năm nay trường không có tình trạng HS thiếu SGK.

Cô Trần Thị Quyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) chia sẻ: Năm nay tiếp tục triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1 và 2, nên nhà trường bố trí phần lớn kinh phí mua trang thiết bị dạy học cho 2 khối lớp này.

Trường cũng xác định, để triển khai CTGDPT 2018 thành công thì không thể thiếu đầu tư từ cơ sở vật chất cho khối lớp “nền móng”. Vì vậy ngoài việc tăng cường thêm 1 phòng học, tu sửa nâng cấp thư viện ngoài trời… nhà trường đã phổ cập ti vi, màn hình thông minh cho toàn bộ lớp học của HS khối 1, 2. Lớp học nào cũng được trang bị tivi 55 inch; bảng thông minh; bảng tương tác…  

Cắt gọn hệ thống cây xanh trước khi vào năm học mới
Cắt gọn hệ thống cây xanh trước khi vào năm học mới

Sẵn sàng cho năm học mới

Thực tế cho thấy, dù thời điểm khai giảng còn hơn 20 ngày nữa nhưng tại các nhà trường, GV đã trả phép từ đầu tháng 8 và đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp đón HS trở lại.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết tại huyện Si Ma Cai, Trường THCS Si Ma Cai vừa bị lũ lụt gây thiệt hại hơn 2 tỉ đồng, Phòng GD&ĐT đã báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và ban ngành chức năng để tiến hành khảo sát thực tế các trang thiết bị hư hại, hạng mục cần xây dựng từ đó bố trí sớm nguồn vốn để mua sắm khắc phục.

Phòng đã chỉ đạo nhà trường thống kê những thiết bị thiết yếu nhất phục vụ dạy học năm học tới để mua sắm trước (trong đó đặc biệt ưu tiên các đồ dùng, thiết bị của HS).

Trong khi chờ UBND tỉnh bố trí kinh phí, Phòng GD&ĐT tiếp tục vận động ủng hộ từ các nơi để nhà trường nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm đi vào ổn định trường lớp.  

Đối với các trường học khác trong huyện, do nguồn ngân sách năm 2021 hạn hẹp nhưng vẫn đầu tư, bổ sung cho các nhà trường các thiết bị cơ bản nhất.

Các trường vùng cao Lào Cai, GV đã trả phép và bắt tay tu sửa trường lớp
Các trường vùng cao Lào Cai, GV đã trả phép và bắt tay tu sửa trường lớp

“Trong bối cảnh khó khăn, ngành GD&ĐT Si Mai Cai bước vào chuẩn bị năm học mới trên quan điểm tận dụng thiết bị sẵn có sẵn, tránh lãng phí và đầu tư dàn trải. Hiện tại các trường học của huyện đã sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất để bắt đầu năm học mới…” – bà Nguyễn Thị Kiều Oanh thông tin.

Cô Trần Thị Quyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) cho biết: Do địa phương vừa trải qua đợt dịch nên ảnh hưởng nhiều tới tiến độ tu sửa, vệ sinh trường lớp cho năm học mớ 2021- 2022.

Hiện nhà trường đang rốt ráo đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ tu sửa trường lớp (lát nền, sân, sơn tường…). Đặc biệt, để ứng phó dịch Covid-19, trường đã đầu tư kinh phí xây dựng thêm dãy bồn rửa tay cho HS từ cổng trường.

Cô Trần Thị Quyên cũng cho biết thêm, đã tiến hành xong việc đánh tỉa cây to trong sân trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS trong mùa mưa bão. Ngoài ra bố trí một nguồn kinh phí nhất định để mua trang thiết bị y tế phòng chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt…) cho HS.

Mọi công việc chuẩn bị cho năm học mới dù khá bộn bề, thời gian không còn nhiều xong Ban giám hiệu, cán bộ, GV, nhân viên… Trường Tiểu học Chũ (Lục Ngạn- Bắc Giang) đã đặt ra quyết tâm hoàn thiện sớm nhất để đón năm học mới.

Thầy Hà Trần Hồng – Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khau Mang (Mù Cang Chải- Yên Bái) cho biết: Để đảm bảo HS trở lại trường lớp 100% và đúng thời gian, trường đã yêu cầu GV liên hệ trước với gia đình, địa phương nơi HS cư trú để động viên, nhắc nhở.

Mặt khác, sẽ thông báo lịch trở lại trường lớp trên các nhóm zalo và trang website của nhà trường. Trường hợp nào không liên lạc, hồi đáp chậm, GV chủ nhiệm có trách nhiệm gọi điện hoặc tới trực tiếp vận động.

Việc sơn sửa trường lớp năm học này không có gì thay đổi nhiều bởi số HS ổn định. Tuy nhiên, trường sẽ đầu tư và tập trung nhiều hơn cho công tác khử khuẩn và mua sắm trang thiết bị y tế cho HS phòng, chống dịch…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.