Phụ huynh bị phạt tù nếu con nghỉ học

GD&TĐ - Tờ Observer, Anh, cho biết một số trường học đã giao thông tin học sinh vắng mặt liên tục cho cảnh sát.

Nhiều học sinh Anh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều học sinh Anh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Họ đến nhà và cảnh cáo phụ huynh có thể phải đi tù nếu tình hình trên không được cải thiện.

Hiện nay, ban giám hiệu các trường phổ thông tại Anh phải chịu áp lực mạnh mẽ từ chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng học sinh nghỉ học. Trong năm 2022 – 2023, khoảng 150 nghìn trẻ em tại các trường công lập vắng mặt, con số cao kỷ lục mà nước này từng ghi nhận.

Nhằm giải quyết tình trạng trên, Bộ Giáo dục Anh yêu cầu các trường công lập phải điểm danh học sinh hàng ngày và chia sẻ hồ sơ điểm danh với Bộ và chính quyền địa phương. Điều này cho phép cơ quan cảnh sát tiếp cận thông tin học sinh vắng mặt.

Nhiều trường do áp lực học sinh nghỉ học tăng cao đã phối hợp với cơ quan cảnh sát nhằm buộc phụ huynh đưa con đến trường. Trước đây, phụ huynh phải nộp phạt tối thiểu 80 bảng nếu không cho con tới trường. Mức phạt sẽ tăng lên 120 – 160 bảng nếu phụ huynh nộp muộn. Tuy nhiên, hiện nay họ có thể bị phạt tù nếu con thường xuyên nghỉ học.

Bà Ellie Costello, đồng sáng lập Square Peg, nhóm vận động hành lang và hỗ trợ trẻ em không phù hợp với trường học truyền thống, cho biết nhiều cảnh sát thậm chí xông vào nhà riêng của học sinh. Cảnh sát hiện chung “chiến tuyến” với nhà trường. Họ đứng trên cầu thang, la hét, yêu cầu học sinh phải đi học ngay lập tức.

Chuyên gia này ghi nhận từ khi các trường phối hợp với cảnh sát, số thành viên gia nhập Square Peg đã tăng hơn gấp đôi, lên 58 nghìn người. Con số này phản ánh rằng một số lượng lớn phụ huynh đang đấu tranh chống lại “chiến dịch ép đi học độc hại”.

TS Naomi Fisher, nhà tâm lý học chuyên điều trị trẻ em gặp chấn thương và tự kỷ, cho biết, cô đã nghe nhiều phụ huynh kể lại, con cái họ bị đe doạ nếu không đi học thì bố mẹ phải đi tù. Naomi mô tả đây là “điều khủng khiếp nhất mà người ta có thể nói với một đứa trẻ”. Hành động này làm gia tăng áp lực, tăng nỗi sợ hãi của trẻ em về trường học.

“Nhiều đứa trẻ nói với tôi rằng chúng lo lắng về việc học đến mất ngủ, bỏ ăn hay gặp ác mộng. Nếu tình huống này là người lớn, tôi sẽ khuyên họ tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc cân nhắc chuyển việc thay vì khăng khăng bắt họ phải đi làm”, TS Naomi nói.

Chuyên gia này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng việc trẻ em vắng mặt liên tục là do “cha mẹ lười biếng”. Bởi lẽ, nếu đứa trẻ không muốn đi học, người làm cha mẹ cũng rất khó khăn, áp lực. Họ tuyệt vọng không biết phải hỗ trợ con như thế nào.

Đồng quan điểm, ông Ben Davis, Hiệu trưởng Trường St Ambrose Barlow, Anh, phản đối việc đổ lỗi cho phụ huynh khi học sinh không đi học. Nhiều gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên nghèo đói cản trở trẻ em tiếp cận với giáo dục.

Ben cảnh báo áp lực từ chính phủ đang khiến các trường học không thể tiếp cận nhẹ nhàng, hài hoà hơn với vấn đề học sinh nghỉ học. Việc cơ quan chức năng cố gắng tăng cường sức mạnh và nghiêm khắc hơn chỉ càng khiến những đứa trẻ căng thẳng, không muốn đến trường.

Trả lời các vấn đề trên, người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết: “Chúng tôi biết một số trẻ em phải đối mặt với những rào cản lớn như có bệnh lý dài hạn, có nhu cầu giáo dục đặc biệt hoặc khuyết tật. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng trường học, chính quyền địa phương làm việc chặt chẽ với các gia đình để xác định và giải quyết các vấn đề cơ bản”.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ