Giải tỏa nỗi lo chuẩn bị cho con vào lớp 1

GD&TĐ - Là một giáo viên mầm non có thâm niên hơn 10 năm đứng lớp (lớp lá 5 - 6 tuổi), tôi thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện với phụ huynh trong những giờ đưa đón trẻ. Mỗi bậc cha mẹ đều có nỗi lo riêng cho con của mình, nhưng tập trung nhất vẫn là việc cho con làm quen viết chữ, nhận mặt chữ, vì sau năm học cuối cấp mầm non này các bé sẽ bước vào lớp 1.

Trẻ mầm non làm quen các chữ cái, con số
Trẻ mầm non làm quen các chữ cái, con số

Những câu hỏi của phụ huynh mà tôi nghe và làm cho tôi bối rối, thường là:

- Cô ơi, ở lớp của mình có được học viết chữ không cô?

- Cô ơi, tôi có cần cho bé nhà tôi đi học thêm không?

- Cô ơi, sao con của những nhà hàng xóm đã đi học thêm viết chữ lớp 1 hết rồi, con của em chưa đi học, có sao không cô?

- Cô ơi, sao em lo quá, không cho đi học thêm lớp 1, không biết con của em vào lớp 1 có theo kịp các bạn không? 

Rõ ràng trong chương trình của lớp lá (mẫu giáo) có làm quen chữ viết theo kiểu vừa học vừa khám phá, làm quen chữ cái trong các tiết học với học cụ sinh động, trò chơi phối hợp đa dạng ở các góc… đủ để các bé phát triển trí tuệ, thể chất, ghi nhớ mặt chữ, cùng các bài tập vừa học vừa chơi dựa theo chuẩn phát triển của trẻ 5 - 6 tuổi.

Chỉ cần các bé tham gia tốt và tích cực, tự tin các hoạt động ở trường mầm non là đủ khả năng để vào lớp một. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà hầu như tất cả bậc cha mẹ đều có tư tưởng phải cho con đi học thêm, học viết chữ, thì nỗi lo mới vơi đi. Cuối cùng, dù rất muốn buổi tối là khoảng thời gian thư giãn của con, họ vẫn phải đưa con đến các lớp học thêm trong những buổi chiều muộn, với thể trạng mệt mỏi và biếng lười của cả mình lẫn con.

Có lần tôi thử rà soát lại xem lớp mình có bao nhiêu bé sau mỗi giờ tan lớp ở trường mầm non phải vội vàng ăn tạm món gì đó - cái bánh mì, uống hộp sữa - để kịp giờ đến lớp học thêm. Thì ra có đến hơn 70% các bé trong lớp rơi vào trường hợp như vậy! Điều đó làm cho chính bản thân tôi, một GV mầm non chuyên nghiệp, cũng hết sức hoang mang, vì tôi cũng có con gái đang ở tuổi này, dù con tôi được sinh hoạt ở trường mầm non ngay từ nhỏ, con rất mạnh dạn tự tin.

Nhưng nghe râm ran các cuộc trò chuyện dưới sân trường của phụ huynh rằng vào lớp một rất khó cho con vì thay đổi môi trường, rằng sẽ viết và ráp vần rất nhanh, nếu không cho con học thêm ngay từ năm học cuối cấp mẫu giáo thì không có cách nào theo kịp bạn, kém thành tích so với bạn…, là một người trong cuộc, tôi cũng bị cuốn theo suy nghĩ đó, vì nghĩ đi nghĩ lại, chuyên môn của lớp 1 mình cũng không nắm rõ. Thế là một lần tôi tìm đến các lớp học thêm chuẩn bị vào lớp 1.

Tại đây, tôi gặp hầu như tất cả các phụ huynh của mình, những người vừa đón con ở trường mầm non về, chắc có bé đã kịp về nhà tắm rửa, cũng có bé vì thời gian quá cận nên không thể thay kịp bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi. Nhìn cảnh các bé đang vội uống hộp sữa, nuốt vội cái bánh, suy nghĩ một chốc, tôi dứt khoát quay xe ra về. Tôi chẳng muốn con mình phải cực khổ đến vậy.

HS lớp 1 Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TPHCM

HS lớp 1 Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TPHCM

Cả một ngày dài đã xa gia đình, buổi chiều về muộn, lẽ ra con phải được sinh hoạt cùng gia đình, được học hỏi chia sẻ trong vòng tay người thân, vậy mà không hiểu vì lý do gì, người lớn cứ áp đặt con mình phải “học thêm”. Chính từ đây có nhiều tiêu cực xảy ra. Có người chê, người miễn cưỡng, nhưng lớp học thêm nào cũng đầy ắp học trò nhỏ mỗi chiều về.

Sau buổi đó, tôi vẫn tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi của phụ huynh, như kiểu cần được tư vấn:

- Cô ơi, bé nhà em có cần phải đi học thêm như các bạn không cô? Sao giờ ai cũng cho con học thêm, em lo quá! 

Tôi mạnh dạn trả lời:

- Chị cũng có con sắp vào lớp 1 nè em. Chị không cho con đi học thêm, vì thấy thương lắm. Con đã học một ngày dài ở trường mầm non rất mệt rồi, còn nhớ ba mẹ nữa, sao lại làm khổ thêm con. Mình là người lớn, một ngày công tác nơi cơ quan đã muốn về nhà, huống chi là trẻ con. Các con cần phải được nghỉ ngơi chứ em!

- Nhưng lỡ khi vào lớp 1, nó không theo kịp các bạn thì sao cô?

- Em thật khéo lo! Trong chương trình giáo dục mầm non theo bộ chuẩn trẻ 5 tuổi của Bộ GD&ĐT thì đã phát triển đủ 5 mặt giáo dục: Đức - Trí - Thể - Mỹ - Ngôn ngữ rồi. Em không cần phải lo lắng. Đứa con đầu của chị trước đây cũng không học thêm khi chuẩn bị vào lớp 1, nhưng vào tiểu học vẫn học rất tốt đó thôi.

Vị phụ huynh có vẻ yên tâm, chép miệng:

- Phải chi phụ huynh nào cũng hiểu được như vậy cô nhỉ?

Đúng vậy, phải chi tất cả các bậc cha mẹ không quá lo lắng, không quá ưu tư về chuyện chuẩn bị cho con vào lớp 1, thì cung đâu có chạy theo cầu, để bản thân mình với con em mình cứ phải tốn kém sức khỏe và tiền của như vậy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.