Phong phú hình thức phòng chống thuốc lá trong học đường

GD&TĐ - Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức và nội dung phong phú.

Một hoạt động văn hóa, văn nghệ của Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá). Ảnh: NTCC.
Một hoạt động văn hóa, văn nghệ của Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá). Ảnh: NTCC.

Phòng hơn chống

“Như tôi đã nói, xử lý là giải pháp cuối cùng; vì thế chúng tôi mong muốn không phải áp dụng biện pháp này với bất kỳ học sinh nào. Muốn vậy, ngoài nỗ lực của nhà trường, rất mong gia đình, các tổ chức xã hội bên ngoài nhà trường cùng đồng hành, chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá nói riêng và các tệ nạn xã hội nói chung; tạo môi trường học tập và vui chơi, giải trí lành mạnh cho học sinh” – thầy Đông bày tỏ.

Trường THPT số 3 Bảo Thắng (Lào Cai) có hơn 600 học sinh. Thầy Hiệu trưởng Cao Quý Đông cho biết, phòng, chống tác hại của thuốc là được nhà trường đặc biệt chú trọng. Nhà trường quan tâm, chú trọng đến giải pháp giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá; trong đó có thuốc lá điện tử.

Chia sẻ về 3 bước thực hiện phòng, chống thuốc lá trong học đường, thầy Đông cho hay, đầu tiên, Trường THPT số 3 Bảo Thắng xây dựng kế hoạch bài bản, khoa học. Theo đó, nhà trường phân công, phân nhiệm cụ thể cho giáo viên, các tổ chức đoàn thể.

“Quan điểm của chúng tôi là phải “rõ người, rõ việc” và “đúng vai”. Đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc này thì các công đoạn tiếp theo sẽ hiệu quả” – thầy Đông nói.

Phổ biến, giáo dục là bước thứ 2 mà Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Thắng đề cập đến. Đây là giải pháp mà nhà trường đặc biệt quan tâm chú trọng và áp dụng đa dạng hình thức và phong phú về nội dung, giúp học sinh thay đổi nhận thức và hành vi.

Các trường học nói không với thuốc lá các loại. Ảnh: Internet.

Các trường học nói không với thuốc lá các loại. Ảnh: Internet.

Theo thầy Đông, học sinh THPT đang trong giai đoạn phát triển về tâm, sinh lý nên đôi khi các em có biểu hiện “bốc đồng”, thích thể hiện và khẳng định mình. Vì thế, giai đoạn này chính là “điểm rơi” quan trọng để tuyên truyền, giáo dục học sinh nói không với thuốc lá các loại. “Quan điểm của là phòng hơn chống” – thầy Đông nhấn mạnh.

Bước thứ 3 mà Trường THPT số 3 Bảo Thắng áp dụng là xử lý. Theo thầy Đông, đây là giải pháp cuối cùng mà nhà trường áp dụng khi phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá trong trường học.

Trước khi xử lý, nhà trường cũng thực hiện nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở và tạo cơ hội cho học sinh sửa đổi. Tuy nhiên, nếu học sinh vẫn cố tình vi phạm, thì buộc nhà trường phải áp dụng biện pháp “mạnh”, nhằm xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh.

Đa dạng nội dung và hình thức

Năm học 2023 – 2024, Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá) có gần 800 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12; trong đó có gần 200 học sinh THCS, số còn lại là học sinh THPT. Cô Hiệu trưởng Hà Thị Thu cho hay, nhà trường xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là học sinh.

Giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực và lan tỏa sâu rộng. Nhiều học sinh đã trở thành tuyên truyền viên ngay tại gia đình và cộng đồng xã hội. “Một số phụ huynh gọi điện, nhắn tin chia sẻ với tôi: ở nhà được con “giáo huấn” khi thấy bố hút thuốc lá. Kết quả là, bố cháu đã tình nguyện “cai nghiện” – cô Thu chia vui.

Cũng theo cô Thu, việc tuyên truyền cho học sinh được nhà trường áp dụng theo hai hình thức: Trực tiếp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt lớp hoặc lồng ghép trong giờ chào cờ. Còn tuyên truyền gián tiếp thông qua phát tờ rơi, dán các khẩu hiệu, pano, áp phích về tác hại của thuốc lá trong trường.

Trong các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá, nhà trường thường mời cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về chia sẻ, phổ biến tác hại của thuốc lá, các bệnh có thể mắc do hút thuốc lá; trong đó có hút thuốc thụ động.

“Buổi nói chuyện không diễn ra một chiều mà có sự tương tác giữa cán bộ với học sinh và ngược lại. Theo đó, học sinh được trả lời các câu hỏi do tuyên truyền viên đưa ra hoặc có những tình huống, hoạt cảnh đơn giản. Từ đó, khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, sự hiểu biết của mình về thuốc lá” – cô Thu chia sẻ.

Tuy nhiên, cô Thu mong muốn, các ngành chức năng phối hợp, hỗ trợ nhà trường để tổ chức thường xuyên các buổi nói chuyện chuyên đề, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh được tiếp cận những thông tin, kiến thức bổ ích; từ đó tự điều chỉnh thói quen của bản thân, đồng thời tham gia tuyên truyền cho người thân không hút thuốc lá.

Phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh Trường tiểu học&THCS xã Liêm Thuận (Thanh Liêm, Hà Nam). Ảnh: Internet.

Phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh Trường tiểu học&THCS xã Liêm Thuận (Thanh Liêm, Hà Nam). Ảnh: Internet.

WHO ghi nhận, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc giảm hút thuốc ở thanh thiếu niên trong những năm gần đây. TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam viện dẫn, theo Điều tra sức khỏe học đường toàn cầu (GSHS) 2019, tình trạng sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-17 tuổi ở Việt Nam đã giảm một nửa, từ 5,4% năm 2013 xuống 2,8% năm 2019. Điều này phản ánh kết quả của những nỗ lực kiểm soát thuốc lá của chính phủ và các đối tác trong vài năm qua.

Tuy nhiên, một vấn đề đang nổi lên là, có một tỷ lệ đáng kể thanh niên đã bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, chẳng hạn như: thuốc lá điện tử, còn được gọi là “Vaping” và thuốc lá nung nóng (HTPs).

Các sản phẩm này sử dụng pin để làm nóng bình dung dịch có chứa nicotine (thuốc lá điện tử) hoặc nung nóng sợi lá thuốc lá (HTPs) để tạo ra khói tỏa có chứa nicotine và các chất độc hại khác.

TS Angela Pratt lưu ý, gần đây đã xuất hiện những sản phẩm lai, trong đó có chứa cả dung dịch nicotine và sợi lá thuốc lá. Theo GSHS 2019, tại Việt Nam, 2,6% thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử, dù đó là các sản phẩm bất hợp pháp.

Để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ Việt Nam, WHO khuyến nghị, chính sách cấm các sản phẩm mới này của Chính phủ Việt Nam hiện nay cần được duy trì và tiếp tục tăng cường.

Ngoài ra, để ngăn chặn việc quảng cáo, bán các sản phẩm bất hợp pháp và có hại này trên thị trường, TS Angela Pratt nhấn mạnh, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường giám sát và thực thi để xác định các điểm bán hàng, đặc biệt là các điểm trực tuyến.

Qua đó, nhằm thu giữ các sản phẩm bất hợp pháp và xử lý những người buôn bán, quảng cáo bất hợp pháp các sản phẩm này. Hiện tại, hầu hết việc mua bán và sử dụng chủ yếu ở các thành phố lớn, những khu vực này nên là trọng tâm ban đầu của các nỗ lực giám sát và thực thi pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ