Sáng 28/10, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện chương trình “Phòng giúp Phòng, trường giúp trường” giai đoạn 2019 – 2022. Đây là chương trình được triển khai nhằm thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.
Sau 1 năm triển khai, có 9 đơn vị đăng ký hỗ trợ các phòng giáo dục và đào tạo và các trường THPT thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu.
Các đơn vị đã hỗ trợ cả về cơ sở vật chất và chuyên môn giáo dục. Cụ thể, các đơn vị đã giúp đỡ về đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời giúp bồi dưỡng giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực và vai trò của người Hiệu trưởng trong trường học.
Trong 1 năm, bằng nhiều nguồn lực, các đơn vị cũng huy động được gần 800 triệu đồng để hỗ trợ cho Phòng GD&ĐT, trường học vùng cao mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học và trao học bổng cho học sinh.
Chương trình “Phòng giúp Phòng, trường giúp trường” dù trong thời gian ngắn, nhưng đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Khơi dậy, phát huy được nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành. Tạo động lực thúc đẩy, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại hội nghị, các đơn vị hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ cũng đã chia sẻ, trao đổi để phong trào ngày càng đi vào thiết thực hiệu quả. Trong đó, đại diện nhiều trường vùng cao mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn bởi khoảng cách chất lượng giáo dục giữa hai miền còn chênh lệch lớn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị sau một năm triển khai chương trình. Đặc biệt là hiệu quả về chuyên môn đối với giáo viên, học sinh miền núi cũng được thể hiện qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh với nhiều tiến bộ về điểm số.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị, các đơn vị tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí bổ sung cơ sở vật chất dạy học, sinh hoạt cho giáo viên, học sinh vùng cao.
Đối với hỗ trợ chuyên môn, phong trào “Phòng giúp Phòng, trường giúp trường” mở rộng thêm “tổ bộ môn giúp bộ môn”. Hoạt động này sẽ là yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn. Trong đó, trường vùng thuận lợi phải sẵn sàng cử giáo viên cốt cán trực tiếp xuống các đơn vị để hướng dẫn về công tác giảng dạy, truyền đạt các kinh nghiệm. Xây dựng các chương trình tăng cường kỹ năng sống, giáo dục Stem, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.
Đổi lại, chính cán bộ, giáo viên thành thị, đồng bằng đi “tăng cường” cũng nhận được thêm nhiều giá trị, kinh nghiệm dạy học và tiếp xúc với đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.