Phòng chống thiên tai bằng chính việc bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Việt Nam là một trong 10 quốc gia nằm ở nhóm nguy cơ cao về thiên tai. Hàng năm Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất sát sao chỉ đạo việc lên các phương án dự phòng.

Phòng chống thiên tai bằng chính việc bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, mỗi khi mùa mưa bão đến, nhiều nơi vẫn còn bị động, gây thiệt hại lớn về người, về tài sản và sự phát triển kinh tế của địa phương.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 08 cơn bão, 03 ATNĐ trên biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 158 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 09 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 07 đợt nắng nóng và 08 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc. Tính đến ngày 28/11/2021, thiên tai từ  đầu năm đã làm 81 người chết, 07 người mất tích, gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, ước tính giá trị thiệt hại hơn 3.400 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2021, thiên tai làm 104 người chết và mất tích, 128 người bị thương; 108,6 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 676 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 13,7 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; 105,8 nghìn ha lúa và 60,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 2,1 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, con số tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai 10 tháng đầu năm 2021 đã giảm 78,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu có nhiều biện pháp hữu hiệu, những thiệt hại nói trên có thể giảm hơn nữa. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diến biến phức tạp, việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai càng trở nên cấp thiết.

Với yêu cầu đặt ra vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được toàn diện hơn, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 được tổ chức vào ngày 04/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó thiên tai năm 2021 đồng thời đưa ra một số nhóm giải pháp chủ yếu.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, các địa phương cần phải kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tại cơ sở, gắn với người đứng đầu. Bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ, đồng thời tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai.

Bảo vệ môi trường chính là biện pháp hữu hiệu phòng chống thiên tai

 Tại một số nơi, tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường với biểu hiện là sự mất cân bằng của các chu trình tuần hoàn vật chất gia tăng các hiện tượng bão, lụt, hạn hán và các hiện tượng biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự khai thác tài nguyên không bền vững, cùng với việc phòng ngừa thiên tai chưa được quan tâm đúng mức trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã dẫn đến những hệ lụy làm gia tăng rủi ro thiên tai. Tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi cũng đáng báo động do nước thải công nghiệp, sinh hoạt đổ thẳng ra sông hồ chưa qua xử khiến không khí, đất bị ô nhiễm.

Những thách thức thực tiễn đang đặt ra bài toán cần giải quyết là hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường; bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học; tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...

Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn phát triển, đồng thời nhất thiết phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả bằng nhiều giải pháp. Đây là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân

Nghị quyết Đại hội XIII xác định quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học.

Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Ảnh: Thế Đại
Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Ảnh: Thế Đại

Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 cũng  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Đề án, trồng cây xanh trong rừng tập trung nêu cụ thể: trồng 180 nghìn ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36 nghìn ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30 nghìn ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6 nghìn ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất: 150 nghìn ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30 nghìn ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).

Cùng với việc bảo vệ rừng hiện có, việc trồng cây trong rừng theo Đề án sẽ đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Ở những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn hơn. Bởi Theo tính toán của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp hơn 2 lần chiều cao của cây.

Đảng, Chính phủ chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Nhiều chương trình hành động đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Và chỉ có sự  vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác phòng chống thiên tai thông qua bảo vệ môi trường mới hy vọng giảm thiểu thiệt hại trước thiên tai, cũng như xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.