Xác định nguyên nhân
Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hiện có 60 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 970 học sinh. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thuốc lá trong nhà trường, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn (Trường THPT Vĩnh Yên) cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng cao là do môi trường. Các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi”, do hoàn cảnh gia đình. Hoặc, cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen không bỏ được.
Ngoài ra, việc bố mẹ mải lo kinh tế gia đình, buông lỏng quản lý để các em có thời gian ngoài giờ học giao du với bạn bè, tụ tập tại các quán nước trà đá vỉa hè là môi trường các em dẽ bị lôi kéo sử dụng thuốc lá truyền thống hoặc thuốc điện tử.
“Dù là thành thị hay nông thôn, các em có thể mua thuốc lá rất dễ dàng, kể cả thuốc lá điện tử. Hệ thống bán hàng và phân phối sản phẩm, đặc biệt là việc bán lẻ thuốc lá ở các quán cà phê, trà đá ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, pháp luật chỉ buộc nhà sản xuất phải ghi dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ” lên bao thuốc, chứ pháp luật chưa có quy định về độ tuổi bao nhiêu mới được mua thuốc lá và người bán có trách nhiệm từ chối việc bán thuốc cho đối tượng là học sinh. Chính vì thế, để mua được thuốc lá đối với các em là không khó.
Hơn nữa, việc thiếu theo dõi sát sao, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa nhà trường (GVCN) với phụ huynh, kỷ luật chưa nghiêm của nhà trường cũng là nguyên nhân tạo cơ hội cho các em sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong và ngoài trường”- Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn thông tin thêm.
Cùng chung nhận định trên, nhà giáo Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: "Hiện nay không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh hút thuốc lá. Một số em còn liên tục đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác như thể đã bị nghiện từ lâu.
Vậy tại sao các em học sinh lại hút thuốc lá? Theo tôi trước hết là do sự chi phối và tác động từ môi trường sống. Nhiều em xem việc hút thuốc là một thú vui và để thể hiện mình với bạn bè. Cũng có khi các em bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là “dân chơi” sành điệu. Bên cạnh đó, học sinh lại quá dễ tiếp cận thuốc lá thông qua hệ thống bán hàng, đặc biệt là việc bán lẻ ở các quán cà phê, tiệm tạp hóa, tủ thuốc lề đường; trong các đám cưới, sinh nhật,… Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng hút thuốc trong giới học đường ngày một tăng".
Đồng bộ các giải pháp
Nhận thức được tác hại của thuốc lá, trong những năm qua, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân – Vĩnh Phúc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn thuốc lá xâm nhập vào trường như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm làm chuyển biến nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt không có khói thuốc lá.
Nhà giáo Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân cho rằng: Các nhà trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình, biết cách phòng tránh, biết nói không trước những rủ rê, cám dỗ. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và đoàn thanh niên luôn quan tâm sâu sát tới tâm tư, hoàn cảnh, sự thay đổi của từng em học sinh, phối hợp chặt chẽ với gia đình, tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường phối hợp với phụ huynh và học sinh thực hiện việc ký cam kết không hút thuốc lá trong và ngoài trường học. Giao cho đoàn thanh niên tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; duy trì và hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ để học sinh hướng đến các hoạt động lành mạnh.
Tổ chức cho học sinh kiểm tra, tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với học sinh. Xây dựng quy định về thi đua, khen thưởng, xử lý các hành vi của học sinh liên quan đến thuốc lá.
Để ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng hút thuốc lá xâm nhập vào nhà trường, Trường THPT Vĩnh Yên cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Treo băng zôn, áp phích, truyền thông trực tiếp, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong các môn học.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như hoạt động sân khấu hóa, trải nghiệm sáng tạo; chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch năm học, đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tại đơn vị; thực hiện môi trường cơ quan, trường học không khói thuốc lá; treo biển báo cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Đoàn thanh niên của nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp giám sát và phát động học sinh tự giác báo cáo với giáo viên nếu phát hiện hành vi hút thuốc lá trong và ngoài nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của từng em trong lớp, giúp quản lý học sinh sát sao, tránh để các em sa ngã vào các tệ nạn. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT để lôi cuốn học sinh vào các hoạt động lành mạnh.
Hàng năm nhà trường luôn tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá và thuốc lá điện tử... Động viên, khen thưởng kịp thời các gương học sinh đã bỏ được thuốc lá, thuốc lá điện tử, đồng thời cũng nhắc nhở, phê bình và kỷ luật nghiêm minh đối với những học sinh vẫn còn hút thuốc trong và ngoài trường.
Thầy giáo Phạm Kiều Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Nguyên chia sẻ: Trong những năm học vừa qua, việc học sinh nhà trường lén lút sử dụng thuốc lá đã xảy ra nhưng với số lượng ít vào khoảng 5-7 học sinh/năm (tỉ lệ khoảng 1% học sinh toàn trường). Chủ yếu các em sử dụng thuốc lá truyền thống, cá biệt có 1 số học sinh tiếp cận thuốc lá điện tử nhưng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên chưa sử dụng. Đối tượng sử dụng xảy ra ở các em lớp 8, 9 khi các em có những biểu hiện thay đổi về tâm sinh lý – giai đoạn muốn thể hiện mình, bắt chước làm người lớn.
Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội thì vai trò của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên… là đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng hút thuốc lá trong và ngoài nhà trường.