Phòng chống HIV/AIDS: Hướng đến việc tiếp nhận nhu cầu từng người bệnh

GD&TĐ - HIV/AIDS tuy không còn là nỗi sợ với nhiều người bởi công tác phòng, chống thời gian qua thực sự có hiệu quả. 

Phòng chống HIV/AIDS: Hướng đến việc tiếp nhận nhu cầu từng người bệnh

Tuy nhiên, với người mang bệnh, họ vẫn canh cánh trong mình nhiều nỗi lo. Lo vì nguồn thuốc ARV đang cạn dần trong khi số người có thẻ bảo hiểm lại ít. Lo vì không biết phải tiếp cận bảo hiểm ra sao, việc giữ bí mật sẽ thực hiện như thế nào…

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 6 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện 3.684 trường hợp nhiễm mới HIV. Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, con số trên có thể phản ánh không đúng tình hình dịch bệnh vì qua thực tế, các tỉnh có đầu tư nhiều cho hoạt động tư vấn, xét nghiệm thì số người nhiễm HIV mới vẫn tăng cao. Điển hình như tại Sơn La, địa phương đứng đầu cả nước về số người nhiễm/100.000 dân, tiếp theo là TPHCM, Điện Biên.

Cũng theo ông Long, hiện nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy giảm nhờ các địa phương triển khai mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại nhưng lại có dấu hiệu gia tăng nhanh ở nhóm quan hệ đồng giới nam và chuyển giới. Dịch HIV cũng được cảnh báo có xu hướng tăng trong nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp do quan hệ tình dục không an toàn. Bên cạnh đó, dịch HIV vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng và gia tăng trở lại nếu thiếu sự quan tâm đến các hoạt động phòng, chống.

Nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn. Trong khi đó, với người nhiễm bệnh thì đang đứng ngồi không yên. Ai cũng biết, ngoài việc xét nghiệm, tư vấn thì thuốc ARV nhiều năm qua được coi là cứu cánh, là biện pháp hữu hiệu để khống chế và loại trừ dịch bệnh. Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu 90 - 90 - 90, tức 90% người mắc được tiếp cận thuốc điều trị.

Nhưng trong bối cảnh thuốc viện trợ bị cắt giảm như hiện nay mà số người tiếp cận thuốc lại tăng, ngoài việc tăng tiền hỗ trợ từ Nhà nước, bảo hiểm y tế được xác định là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho người nhiễm HIV được điều trị. Nói thì vậy nhưng trên thực tế, số người tiếp cận thuốc qua tấm thẻ này sẽ rất khó bởi tỷ lệ có thẻ ít, việc mua thẻ bảo hiểm cũng chẳng dễ dàng gì.

Theo bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS tại TPHCM, tính đến tháng 6/2016, thành phố chỉ có 10.544 người nhiễm HIV (chiếm tỷ lệ 36% tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV tại TPHCM) có thẻ bảo hiểm y tế. Trong đó, chỉ có hơn 1/3 sử dụng thẻ để thanh toán cho các dịch vụ HIV…

Tiếp cận từng đối tượng

Số người mắc vẫn không ngừng gia tăng chứng tỏ nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Theo ông Long, trong bối cảnh các tổ chức cắt hoàn toàn viện trợ thuốc vào năm 2018 đòi hỏi chúng ta phải tự tìm cách ứng phó, không để người bệnh bơ vơ, mất phương hướng.

Biện pháp đầu tiên được Bộ Y tế tính đến là việc đưa thuốc vào bảo hiểm y tế. Việc làm này vừa tăng số người đóng bảo hiểm vừa đảm bảo cho họ vẫn có thuốc duy trì mà chi phí không quá tốn kém. Tiếp theo là huy động các nhà tài trợ thay đổi phương thức hỗ trợ. Thay vì cung cấp thuốc, dụng cụ, vật tư cho ngành Y tế thì tiếp nhận và xử lý yêu cầu trực tiếp từ người bệnh, từng tổ chức tham gia vào công cuộc phòng chống HIV.

Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Craig Hart cho biết: Tổ chức này sẽ tập trung vào việc mở rộng dịch vụ, xác định ưu tiên và nhu cầu riêng của từng nhóm đối tượng để đáp ứng nhu cầu như vấn đề quản lý bệnh nhân, thuốc, quy trình chi trả bằng bảo hiểm y tế. Với cách tiếp cận trên, đối tượng thụ hưởng không chỉ là người nhiễm HIV mà còn có thể là nhân viên y tế, các đơn vị liên quan...

Theo ông Reed Ramlow, Giám đốc Dự án USAIDS SHIFT, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật hướng tới Chương trình phòng, chống HIV bền vững ở Việt Nam do USAIDS tài trợ kéo dài từ nay đến 2021. Trong thời gian này, các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV được mở rộng hơn nữa, vận động thúc đẩy tài chính bền vững cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giảm kỳ thị cũng như tích hợp hệ thống thông tin y tế điện tử vào chăm sóc và điều trị. Như vậy, người nhiễm HIV có thể kích hoạt vào trang web, số điện thoại để tìm kiếm thông tin, nhờ hỗ trợ, tư vấn...

Bác sĩ Bùi Thu Thủy, chuyên gia kỹ thuật, chăm sóc điều trị HIV (tổ chức FHI 360) khẳng định việc người bệnh chủ động tìm đến nhà cung cấp dịch vụ sẽ giúp họ biết rõ bệnh tình của mình, hiểu hơn về căn bệnh này, qua đó thể hiện nhu cầu. Điều này giúp họ chủ động điều trị bệnh, tuân thủ phác đồ hơn.

Khi cánh cửa tài trợ thuốc ARV giảm và dần khép lại đồng nghĩa với việc cánh cửa khác sẽ mở ra. Hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS là hướng đi mới, mang tính bền vững vì tiếp cận, tập hợp và xử lý trực tiếp nhu cầu của từng người bệnh, từng tổ chức...

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ