Phòng chống đuối nước: Để nỗi đau không kéo dài theo năm tháng

GD&TĐ - Theo ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), tai nạn đuối nước ở HS là vấn đề nhức nhối, rất cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giảm thiểu thực trạng đau lòng này.

Phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, cần đề cao vai trò của gia đình. Ảnh: Internet
Phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, cần đề cao vai trò của gia đình. Ảnh: Internet

Thực trạng nhức nhối

- Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

- Tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh ở Việt Nam vẫn là vấn đề nhức nhối, gây tổn thất nghiêm trọng về tính mạng, tinh thần và vật chất đối với gia đình, nhà trường và toàn xã  hội. Những năm gần đây, tỷ lệ đuối nước ở trẻ em, học sinh Việt Nam đã giảm (tỷ suất tử vong giảm từ 12,7/100.000 trẻ em vào năm 2010 còn 6,8/100.000 trẻ em vào năm 2019) nhưng vẫn cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần so với các nước phát triển.

Vì vậy, ngành Giáo dục cùng với các ngành, cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và dạy bơi cho trẻ em, học sinh theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Ông Nguyễn Nho Huy.
Ông Nguyễn Nho Huy.

- Thực tế cho thấy, công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập. Cụ thể: Môi trường sống tại cộng đồng thiếu an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ đuối nước như: Nhiều ao, hồ, sông, ngòi, đập, hố, kênh, rạch…, có những nơi không được cảnh báo hoặc không được rào chắn an toàn, đặc biệt là ở các vùng thôn quê, miền sông nước…

Ngoài ra, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, các em đang ở độ tuổi hiếu động, chủ quan, điển hình như tự ý rủ nhau đi chơi, đi tắm ở những khu vực nguy hiểm rồi xảy ra tai nạn theo nhóm...

Mặt khác, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ lên lớp còn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Ví dụ: Trong khi nhà trường chú trọng việc giáo dục ý thức an toàn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng để phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước thì có một bộ phận nhỏ những gia đình chưa quan tâm trong việc giáo dục và có các biện pháp quản lý, giám sát thời gian các con khi nghỉ học ở nhà.

Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy bơi tại các trường học chưa được triển khai đại trà do thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả của bể bơi, tỷ lệ bể bơi có trong trường còn rất thấp. Kể cả hệ thống bể bơi ngoài cộng đồng cũng mới đáp ứng được một phần nhu cầu dạy - học bơi. Hệ thống ao, hồ, sông, suối… ô nhiễm nên ở mỗi gia đình cha, mẹ không thể dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn cho con em mình trong môi trường nước tự nhiên được.

Tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước cho cán bộ, giáo viên cốt cán của 17 tỉnh, thành thuộc miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước cho cán bộ, giáo viên cốt cán của 17 tỉnh, thành thuộc miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. 

Trường học an toàn

- Một trong những giải pháp hữu hiệu phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh là trang bị kỹ năng sinh tồn cho các em. Giải pháp này đã và đang được Bộ GD&ĐT triển khai như thế nào, thưa ông?

- Bộ GD&ĐT luôn chú trọng, chỉ đạo thường xuyên việc tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho học sinh; coi đây là giải pháp chủ yếu về phòng chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất trong các nhóm kỹ năng sống cần trang bị cho học sinh.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt tài liệu Giáo dục hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh (Quyết định số 4704/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2021) và triển khai tập huấn đội ngũ cốt cán cho các địa phương nhằm giúp các sở GD&ĐT đảm bảo nguồn nhân lực triển khai phòng, chống đuối nước trong các cơ sở giáo dục.

Xây dựng, rà soát và phê duyệt các tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong trường học (các clip hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước; tờ rơi, phim hoạt hình, các bài hát tuyên truyền…). Thực hiện số hóa, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn các cơ sở giáo dục khai thác sử dụng tuyên truyền cho học sinh;

Hàng năm, tổ chức Lễ phát động phong trào học bơi an toàn, phòng tránh đuối nước và giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc, nhằm đẩy mạnh phong trào dạy, học bơi trong học sinh, sinh viên.

- Việc thực hiện các tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh là giải pháp quan trọng. Hoạt động này tiến hành đến đâu?

- Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Năm 2021, Bộ đã ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong trường mầm non (thay thế Thông tư số 13 năm 2010).

Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương, cơ sở giáo dục để nghiên cứu, xây dựng Thông tư về xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông phù hợp với thực tế hiện nay (thay thế Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT năm 2007 ban hành Tiêu chí trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục phổ thông).

Dạy bơi cho trẻ em, học sinh là yêu cầu bức thiết. Ảnh: TG
Dạy bơi cho trẻ em, học sinh là yêu cầu bức thiết. Ảnh: TG

Trang bị kỹ năng sinh tồn

- Phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh trong nhà trường cần sự phối hợp của gia đình và xã hội. Công tác phối hợp được triển khai ra sao?

- Việc bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước học sinh muốn đạt được hiệu quả cao thì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh môi trường sống thiếu an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích, việc dạy bơi cho học sinh còn nhiều khó khăn thì giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng để các em tự ý thức, hình thành thói quen biết tránh xa những nơi nguy hiểm, gây mất an toàn rất quan trọng.

Ngoài công tác giáo dục của nhà trường cần có sự quan tâm từ phía gia đình trong việc quản lý, giám sát, nhắc nhở. Bên cạnh đó, sự phối hợp của chính quyền, xã hội trong việc đảm bảo an toàn môi trường sống sẽ góp phần tích cực trong việc giảm thiểu hạn chế tai nạn thương tích cho học sinh.

Những vấn đề trên Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm và có các văn bản chỉ đạo nhà trường chủ động, tăng cường công tác phối hợp với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè; tổ chức tốt việc bàn giao trẻ em, học sinh về gia đình, địa phương trước khi nghỉ hè; bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.

- Kỳ nghỉ hè đang đến gần, nỗi lo về tai nạn thương tích, đuối nước của các gia đình lại tăng lên. Ông có khuyến cáo gì với nhà trường và phụ huynh, học sinh để các em có mùa hè an toàn, bổ ích?

- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC ngày 21/4/2022; Công điện số 476/CĐ-BGDĐT ngày 4/5/2022 về tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục: Mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước;

Đồng thời triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè. Mặt khác, đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Xây dựng các chuyên đề tuyên truyền như: Giáo dục phòng, chống đuối nước trên đường đi học; phòng chống đuối nước khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi; Phòng chống đuối nước khi vui chơi tại cộng đồng, nơi có các nguồn nước mở; Phòng chống đuối nước khi hoạt động trong môi trường nước; cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước... Qua đó nhằm trang bị cho các em kỹ năng sống, trên hết là kỹ năng sinh tồn.

Đối với gia đình, cần quan tâm, quản lý, giám sát sao cho con em mình, không tự ý đi bơi, đi tắm, chơi ở gần khu vực có nguồn nước khi không có người lớn đi cùng. Chủ động cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, lớp học bơi an toàn để có kiến thức, kỹ năng tự biết bảo vệ bản thân khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.

- Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm trung bình cả nước có trên 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước (cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước phát triển). Trước thực trạng này, nhà trường, địa phương, đặc biệt là gia đình cần có trách nhiệm hơn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị, hướng dẫn cho học sinh những kiến thức, kỹ năng để các em biết và chủ động trong việc tự phòng tránh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.