Phòng chống CoVid-19: Cách sử dụng khẩu trang và dung dịch sát khuẩn hiệu quả

Phòng chống CoVid-19: Cách sử dụng khẩu trang và dung dịch sát khuẩn hiệu quả

Điều may mắn là bệnh có thể giới hạn mức độ lây lan cũng như phòng tránh được nhờ các chuyên gia vi sinh học nhanh chóng phát hiện ra các ký chủ, đường lây và đặc điểm sinh học của chủng virus Corona mới này.

Các đường lây truyền của Covid-19

Chủng Covid-19 ký sinh ở một số loài động vật hoang dã đã được xác định như rắn, dơi, tê tê. Trong một số hoàn cảnh, điều kiện và cơ hội nào đó CoVid-19 xâm nhập sang người và gây bệnh. Rồi từ những người ủ bệnh, mang bệnh lại lây lan cho nhau khi tiếp xúc trực tiếp mà không có sự phòng vệ nào.

Chủng virus này có khả năng sống rất kém trong môi trường nhiệt độ từ 20 - 25oC. Một người bị nhiễm virus Corona mới có thời gian ủ bệnh giao động từ 22 - 24 ngày. Điều đáng lo ngại là khả năng lây lan của người lành mang trùng.

Cho đến nay, các chuyên gia đã xác định đường lây truyền trực tiếp từ người sang người của Covid-19 qua các “cửa ngõ” như sau:

- Đường hô hấp: Dịch tiết mang theo virus từ đường hô hấp của người bệnh và người lành mang trùng “bắn” ra ngoài môi trường và xâm nhập vào người đối diện qua việc ho, hắt hơi, xì mũi. Người tiếp xúc nếu không có phương tiện phòng vệ che chắn mũi họng sẽ tiếp nhận những hạt bụi hô hấp mang trùng vô hình này.

- Đường tiêu hóa: Tay bẩn tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh hoặc thức ăn nhiễm khuẩn từ người bệnh xâm nhập vào đường tiêu hóa qua miệng.

- Mắt: Đã có bằng chứng cho thấy, Covid-19 có khả năng xâm nhập qua kết mạc mắt người. Do đó, các nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải mang kính bảo hộ.

Từ các đặc điểm sinh học của virus và đường lây truyền của virus các nhà chuyên môn đã khuyến cáo các phương pháp phòng vệ tránh sự lây lan bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh

- Không đi đến những vùng đang có người bệnh. Tránh tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh và tránh những chỗ đông người.

- Mở cửa nhà cho thông thoáng để ánh nắng rọi vào. Nhiệt độ trong các phòng có máy điều hòa, nếu cần thì để nhiệt độ ở mức trên 25oC.

- Mang khẩu trang y tế ở những nơi công cộng và nhất là khi đi khám bệnh để tự đề phòng và tránh lây cho người khác.

- Thường xuyên rửa tay bắng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn sát khuẩn bàn tay. Hạn chế tối đa hoặc không dùng tay chưa rửa chạm vào mắt, mũi, miệng.

- Thực hiện “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, “ăn chín, uống sôi”.

- Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và rèn luyện cơ thể để có sức khỏe tốt chống lại mọi bệnh tật.

Về vấn đề đeo khẩu trang

Về mặt y học, không phải loại khẩu trang nào cũng có thể ngăn cản được tác nhân gây bệnh.

Trong thời điểm Corona virus đang tác oai tác quái, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là nên mang loại khẩu trang nào và mang như thế nào để có tác dụng phòng bệnh tốt nhất?Sau đây là một số loại khẩu trang phổ biến:

Khẩu trang dùng nhiều lần: Là loại khẩu trang được làm bằng vải thông thường, không đòi hỏi “nhà sản xuất” phải có chuyên môn gì đặc biệt mà chỉ cần sự khéo léo. Loại khẩu trang này chỉ có tác dụng che nắng, cản bụi có kích thước lớn như bụi đường, khói xe. Nó có thể cản được một số vi sinh vật lớn. Nhưng hoàn toàn không cản được virus. Khẩu trang vải loại này được giặt và sử dụng nhiều lần.

Khẩu trang dùng một lần: Nhiều người quen gọi là khẩu trang y tế. Được sản xuất bởi các nhà máy, theo dây chuyền công nghệ.

Được làm bằng giấy có độ dai nhất định và gấp nhiều nếp theo chiều dọc hoặc chiều ngang, che kín được mũi và miệng. Sau sử dụng thì vất bỏ vào sọt rác. Loại này ngoài tác dụng như khẩu trang dùng nhiều lần, còn tác dụng ngăn chặn các loài vi sinh vật có khích thước nhỏ hơn.

Khẩu trang chứa than hoạt tính: Được làm với công nghệ và chuyên môn cao hơn. Chất liệu là một loại vải dệt sợi hoạt tính hoặc giữa hai lớp vải có ép một lớp than hoạt tính. Loại này có tác dụng tốt hơn loại khẩu trang dùng một lần. Tuy nhiên, nó cũng chỉ nên dùng một lần.

Khẩu trang chuyên dụng: Hiện có các tên gọi là khẩu trang N95, N99. Loại khẩu trang này được sản xuất theo những tiêu chuẩn đặc biệt. Đây là các loại khẩu trang có thể lọc được 95 hoặc 99% các loại hạt có kích thước siêu nhỏ tầm kích thước của virus.

Khuyến cáo sử dụng khẩu trang phòng bệnh

 

Với người không có dấu hiệu đường hô hấp: Không cần phải đeo khẩu trang y tế thường xuyên. Khi hắt hơi hoặc ho bất thình lình, cần che bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy, sau đó vệ sinh tay bằng nước sạch và xà phòng.

Với người có dấu hiệu nghi ngờ: Nên mang khẩu trang thường xuyên và tránh tiếp xúc với người khác.

Với người có dấu hiệu đường hô hấp: Cần đeo khẩu trang y tế và đến khám tại các cơ sở y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS) khuyến cáo, việc mang khẩu trang thường xuyên khi không cần thiết sẽ gây lãng phí, tạo gánh nặng mua sắm cá nhân và xã hội, gia tăng nguồn rác thải ra môi trường và đặc biệt là tạo ra cảm giác chủ quan về sự an toàn ảo mà quên đi những biện pháp phòng tránh hiệu quả khác.

Bên cạnh đó, việc mang khẩu trang và tháo không đúng cách như chạm tay vào mặt trước khẩu trang, mang vào tháo ra nhiều lần sẽ không có tác dụng bảo vệ mà còn gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Tháo khẩu trang đúng cách là nắm sợi dây đeo tai để tháo rồi cuộn ngược phần nhiễm bẩn bên ngoài vào trong trước khi vất vào sọt rác.

Không ai phủ nhận vai trò của những chiếc khẩu trang trong cuộc sống, nhất là trong mùa dịch bệnh. Nhưng khẩu trang không phải là tất cả mà chỉ là một trong những phương tiện phòng bệnh mà thôi. Do đó, tùy từng trường hợp mà sử dụng khẩu trang cho thích hợp. Bên cạnh đó cần tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan có chức năng.

Dung dịch rửa tay khô và cồn y tế

 
Trước khuyến cáo rửa tay thường xuyên phòng bệnh viêm phổi cấp do Covid-19, người ta đổ xô nhau tìm mua và sử dụng các dung dịch rửa tay khô và cồn sát khuẩn y tế.

Các loại nước rửa tay khô được sản xuất dưới dạng cô đặc, sền sệt gọi là “gel” hoặc đóng lọ dưới dạng nước xịt. Ưu điểm của loại này là sau khi xoa sát khuẩn các bàn tay, không cần rửa tay lại, tay giữ được độ ẩm. Tất nhiên, các loại nước rửa tay khô đắt tiền và đôi khi khó kiếm hơn cồn y tế sát khuẩn bán nhiều ở các quầy thuốc.

Không phải bất cứ loại cồn nào cũng có tác dụng sát khuẩn mà chỉ có cồn y tế được pha chế ở hàm lượng nhất định mới có tác dụng sát khuẩn mà thôi.

Cách sử dụng cồn sát khuẩn: Lấy một ít cồn vào lòng bàn tay, sau đó xoa đều khắp lòng, mu bàn tay và các ngón tay trong vòng 30 giây.

Việc sử dụng cồn y tế cũng được khuyến cáo là không nên quá lạm dụng vì những lý do sau: Một số loại vi khuẩn bị tiêu diệt ở cồn có nồng độ này mà không bị tiêu diệt ở cồn có nồng độ khác.

Ngoài ra, cồn có khả năng gây kích ứng da ở một số người và bay hơn nhanh nên làm khô da tay. Ở những người sử dụng cồn y tế thường xuyên và kéo dài, da tay có thể khô, căng cứng và bong tróc.

Khi sử dụng cồn y tế và các loại nước rửa tay khô, nếu có những dấu hiệu bất thường xảy ra thì dừng ngay việc sử dụng và tham vấn bác sĩ hoặc các nhân viên y tế khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.