Phòng chống bạo lực học đường: Giáo viên cũng cần giúp đỡ

GD&TĐ - PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – cho rằng: Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng, tham dự các buổi trao đổi trực tiếp với cán bộ tâm lý hoặc đồng nghiệp để giảm bớt sự cô độc trong công việc cũng như có giải pháp giải quyết những tình huống bế tắc. 

Áp lực trong công việc không nhỏ đối với giáo viên. Ảnh: Quý Trung
Áp lực trong công việc không nhỏ đối với giáo viên. Ảnh: Quý Trung

Mức độ căng thẳng của nghề giáo thuộc nhóm cao

- Trường hợp giáo viên bạo lực học sinh, có khi nào PGS nghĩ rằng, bản thân thầy cô đó cũng cần được giúp đỡ?

- Điều này đúng. Thậm chí những nhà tâm lý như chúng tôi cũng cần được giúp đỡ qua sự giám sát của những người thầy và thảo luận nhóm với những đồng nghiệp như một cách để ứng phó với stress hay các tình huống bế tắc.

Các biểu hiện căng thẳng, kiệt sức dẫn đến sự kiệt quệ về cảm xúc, giảm sút ý thức, mất khả năng tự ý thức bản thân, không thể làm tốt công việc như khả năng có thể. Các dấu hiệu thể hiện ra có thể là mất hứng thú, chán nản mỗi sáng phải đi làm, muốn kết thúc tiết giảng sớm, mất tập trung trong mạch giảng dạy, giảm sự nhạy cảm với cảm xúc của học sinh, không đọc thêm tài liệu chuyên môn, không cập nhật bài giảng trong thời gian dài.

Hiện nay, công việc của giáo viên ngày càng nhiều thách thức với những kỳ vọng cao của phụ huynh và trách nhiệm lớn từ nhà trường. Họ cũng là một con người với những cung bậc tình cảm, có những căng thẳng, stress trong cuộc sống như bệnh tật, mất mát người thân, sự ly biệt, thất bại… Nhưng họ lại không được phép để những căng thẳng cá nhân đó ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ thân thiết trong chăm sóc, dạy dỗ học sinh.

Môi trường làm việc nhiều thách thức, trách nhiệm cao, lương thấp, các nguồn lực hỗ trợ không đủ làm tăng yếu tố độc hại nghề nghiệp khiến nghề giáo có mức độ căng thẳng nghề nghiệp thuộc nhóm cao, chỉ sau nhóm chủ doanh nghiệp, bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng. Ảnh minh họa/ INT
Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng. Ảnh minh họa/ INT 

Để cân bằng, người giáo viên cần luôn ý thức về các yếu tố nguy cơ gây tổn thương của nghề nghiệp, ghi nhớ rằng tự chăm sóc bản thân là điều tốt. Dành thời gian hợp lý cho bản thân: Về mặt thể chất có thể bao gồm ngủ đủ, thể dục đều đặn, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Về mặt tinh thần, bao gồm làm những việc mình yêu thích, nuôi dưỡng các mối quan hệ, nghỉ ngơi/thư giãn, ưu tiên các nhu cầu tinh thần và thể xác của bản thân bằng cách đặt ra và theo đuổi những mục tiêu công việc cụ thể và phù hợp. Chú ý đến những dấu hiệu stress hoặc kiệt sức.

Giáo viên cũng cần sự hỗ trợ từ bộ phận tư vấn tâm lý, tham gia các khóa tập huấn giúp giải tỏa căng thẳng, tham dự các buổi trao đổi trực tiếp với cán bộ tâm lý hoặc đồng nghiệp để giảm bớt sự cô độc trong công việc cũng như có giải pháp giải quyết những tình huống bế tắc.

Trăn trở về chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn

PGS.TS Trần Thành Nam

- Như PGS nói, các giáo viên cũng cần được hỗ trợ. Một trong những hình thức hỗ trợ là qua các khóa tập huấn. Vậy PGS nhận định như thế nào về các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn về bạo lực học đường tại Việt Nam?

- Tại Việt Nam, khảo sát của chúng tôi cho thấy, có một số tài liệu và chương trình tập huấn đã được triển khai dưới sự tài trợ của một số tổ chức NGO hoặc các dự án, nhưng chủ yếu mang tính địa phương và ngắn hạn. Nhiều chương trình không được thẩm định và không được thiết kế dựa trên bằng chứng nghiên cứu.

Chúng tôi cũng khảo sát một số chương trình đào tạo đại học và sau đại học các ngành tâm lý, giáo dục, sư phạm, công tác xã hội và thấy rằng, nội dung liên quan đến bạo lực học đường ít nhiều được đề cập đến như một phần nhỏ trong một môn học chung chứ chưa trở thành môn học độc lập.

Trong các chương trình đào tạo cử nhân hiện hành, mới chỉ có chương trình Tham vấn học đường của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội có 2 học phần tập trung sâu vào vấn đề này, là học phần “Công tác xã hội về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực học đường” và “Kỹ năng ứng phó khủng hoảng học đường”. Trong tương lai, sẽ cần thêm nhiều học phần đào tạo chuyên sâu như vậy để trang bị cho người học những kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn.

- Cần làm gì để bảo đảm chương trình đào tạo, tập huấn có hiệu quả thiết thực, phù hợp với bối cảnh của trường học cụ thể, thưa PGS?

- Để bảo đảm cho các chương trình phòng chống bạo lực học đường có hiệu quả, giáo viên với kiến thức hàng ngày về bắt nạt là không đủ. Kiến thức lý thuyết sâu và rộng theo hệ thống rất cần thiết để thực hiện các biện pháp chống bắt nạt hiệu quả vì lợi ích tốt nhất của học sinh.

Các chương trình đào tạo cần trở nên chuyên nghiệp và được thẩm định để tạo nền tảng. Các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên, nhân viên nhà trường trong lĩnh vực bạo lực và bắt nạt cũng cần mang tính toàn diện (can thiệp đa thành tố, giải quyết các vấn đề gia đình, bạn bè, cộng đồng ảnh hưởng đến sự phát triển và sự tồn tại của các hành vi bạo lực).

Cùng với đó là đủ liều lượng (đủ dài để hình thành kỹ năng, năng lực người thực hành); có định hướng (dựa trên cơ sở lý thuyết và bằng chứng về tính hiệu quả); tích cực (thúc đẩy mối quan hệ và hỗ trợ kết quả tích cực). Đồng thời, phù hợp với văn hóa (thích ứng với cộng đồng và các chuẩn mực văn hóa của những người tham gia trong đó có nhóm mục tiêu đưa vào lập kế hoạch và thực hiện chương trình); có đánh giá (có hệ thống đánh giá hiệu quả đầu vào, đầu ra để so sánh với mục tiêu).

- Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ