Phòng bệnh truyền nhiễm lúc giao mùa

GD&TĐ - Thời tiết chuyển từ hè sang thu với khí hậu nóng ẩm thất thường tạo thuận lợi cho vi sinh vật, côn trùng, nấm mốc phát triển mạnh. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh về hô hấp, bệnh do muỗi truyền, bệnh về tiêu hóa… cho cộng đồng.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch là giải pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả (Ảnh Internet)
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch là giải pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả (Ảnh Internet)

Đến mùa dịch lại lo

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khoảng 6 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 20.500 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 8 trường hợp tử vong.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước ghi nhận 141 trường hợp dương tính với sởi. Trong đó, có 54 trường hợp (38,3%) là trẻ dưới dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng và chỉ 10 trường hợp có tiêm vắc xin sởi.

Bệnh chân tay miệng đang có diễn biến phức tạp. Riêng Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế, đã ghi nhận 744 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng. Trong đó, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 200 trường hợp…

Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan hơn cả. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại các gia đình và trường học.

Tiêm vắc- xin ngừa bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm vắc – xin ngừa một số loại bệnh giao mùa như cúm, sởi, viêm não Nhật Bản, tả… là phương án phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Bà Trần Thị Minh Lý, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, vắc- xin ngừa cúm có thể sử dụng từ 6 tháng tuổi trở lên. Ngoài trẻ em, các đối tượng dễ lây nhiễm như người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh tim, phổi, tiểu đường, suy giảm miễn dịch cũng nên tiêm phòng ngừa bệnh. Việc tiêm ngừa cúm còn giúp giảm nhẹ các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc- xin.

Để phòng chống bệnh sởi, các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ 9 -18 tháng tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa sởi tại các trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, số trẻ mắc sởi vài năm gần đây gia tăng số ca mắc ở độ tuổi chưa đến thời gian tiêm chủng (trước 9 tháng) nên trong Hội nghị Phòng chống dịch bệnh 2018, đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu (nếu hoàn thành có thể áp dụng ngay năm nay) đẩy sớm lịch tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng.

Ngoài hai loại vắc –xin trên, còn nhiều vắc –xin khác có thể phòng ngừa một số bệnh hữu hiệu như viêm não Nhật Bản, ho gà, bạch hầu, tả… song nhiều vắc –xin không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia nên việc phòng bệnh phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân, gia đình.

Vệ sinh cá nhân, môi trường

Theo bà Lý, để chủ động phòng chống bệnh giao mùa, tại các gia đình hay cơ quan, trường học, cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn đặc biệt ở các nhà trẻ, trường học. Để tránh bệnh về tiêu hóa hay chân tay miệng, rèn thói quen rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy đối với cả người lớn và trẻ em trước khi chế biến thức ăn, ăn và cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ… Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày ở các gia đình, nhà trẻ, trường học.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, ngủ màn ở những khu vực có nhiều muỗi. Các vật dụng chứa nước trong gia đình, cơ quan, trường học cần phải được đậy kín hoặc úp xuống để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên loại bỏ những vật liệu phế thải như chai lọ, hốc tre, bẹ lá, mảnh vỡ…Phát động và nhân rộng nhiều phong trào “Đội xung kích diệt bọ gậy” ở mỗi đơn vị, cơ quan hay trường học, đồng thời phối hợp với ngành Y tế phun hóa chất, khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hữu Phước, Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, với thời tiết nóng ẩm thất thường như hiện nay, thức ăn dễ ôi thiu, nếu ăn phải dễ gây ngộ độc và mắc một số bệnh về tiêu hóa. Để phòng chống bệnh, mọi người cần ăn uống hợp vệ sinh, chọn mua thực phẩm tươi sạch, chế biến và bảo quản thức ăn cẩn thận. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, không ăn tiết canh, gỏi cá… Không cho trẻ ăn bốc, mút, ngậm đồ vật, không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, cốc chén với người khác…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, các trường học cần xây dựng chế độ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Liên hệ chặt chẽ với gia đình, cơ sở y tế phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe cho các em. Trong Hội nghị Phòng chống dịch bệnh 2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo kịp thời, đề nghị các sở phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh cụ thể. Nâng cao tỉ lệ tiêm chủng đạt 95% ở quy mô xã, phường. Tăng cường, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch tại cộng đồng. Sẵn sàng trang thiết bị và nhân lực, hậu cần để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh.

    Một số bệnh giao mùa như sởi, cúm, chân tay miệng, rubella… lây qua đường hô hấp nên tránh tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ nhiễm bệnh, nếu tiếp xúc thì đeo khẩu trang bảo vệ. Khi có triệu chứng mắc bệnh cần đi khám để có phác đồ điều trị và biện pháp cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho nhiều người và khiến bệnh bùng phát thành dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ