Phòng bạch hầu, sốt xuất huyết: Nhiều khu vực “lõm tiêm chủng”

GD&TĐ - Ngày 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020. Qua đó, nhiều khu vực được nhận định là chưa chủ động trong công tác phòng, chống bạch hầu cũng như sốt xuất huyết.

Tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu tại các trạm y tế ở tỉnh Gia Lai.
Tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu tại các trạm y tế ở tỉnh Gia Lai.

80% số ca mắc không tiêm chủng

Hội nghị diễn ra tại Bộ Y tế và điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, đại dịch Covid-19 đã lây lan đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội của toàn cầu, tác động tiêu cực đến tâm lý và đời sống người dân và còn tiếp tục kéo dài.

Bên cạnh đó, các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn ghi nhận số ca mắc cao. Trên toàn cầu, việc kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn là vấn đề nan giải, do chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

“Dự báo trong cuối năm 2020 - đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Các bệnh lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch, do thời tiết mùa đông xuân thuận lợi cho mầm bệnh phát triển”, lãnh đạo Bộ Y tế cảnh báo.

Bên cạnh đó, một số bệnh vẫn có nguy cơ gia tăng số ca mắc và tử vong nếu không có biện pháp phòng chống hiệu quả.

TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc bệnh bạch hầu bắt đầu tăng từ tháng 6 - tháng 8. Riêng khu vực Tây Nguyên ghi nhận các trường hợp mắc bạch hầu tăng rõ rệt từ tháng 6.

Trong tổng số ca bệnh, độ tuổi cao nhất mắc bạch hầu là từ 10 - 14. Tuy nhiên, một số ca trên 65 tuổi vẫn mắc. Đây là trường hợp chưa được tiêm chủng mở rộng hoặc sống tại vùng sâu vùng xa. Một số trường hợp dưới 1 tuổi do không được tiêm chủng cũng mắc bạch hầu.

“Có hơn 80% số ca mắc không được tiêm chủng, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng”, TS Tấn nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nhiều biện pháp tăng cường công tác tiêm chủng và phòng, chống bạch hầu đã được đưa ra, bao gồm: Tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu; Phân luồng khám chữa bệnh nhằm phòng, chống lây nhiễm tại các bệnh viện...

Nhận định về những khó khăn trong việc phòng, chống bạch hầu, TS Tấn cho biết: “Phần lớn các ổ dịch nằm ở vùng sâu vùng xa. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, khiến cán bộ y tế sơ hở. Một số ca bệnh lớn tuổi được ghi nhận, do ở thời của họ, chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ. Ngoài ra, một số vùng chưa quản lý được hết nhóm tiêm chủng, đặc biệt là di dân”.

Ông Tấn cho rằng, sắp tới, một số khu vực miền Trung, Nam, Tây Nguyên có thể sẽ tiếp tục ghi nhận những ca bệnh rải rác. Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng xuất hiện ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng mở rộng thấp, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. Ông Dương nhấn mạnh, đây là bệnh chủ yếu xảy ra ở những khu vực “lõm tiêm chủng”.

“Bệnh bạch hầu đã có vắc-xin phòng bệnh. Tiêm phòng đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu nhất để phòng bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, cần lựa chọn đúng vắc xin bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng”, PGS Dương cho biết.

Theo đó, người có tuổi càng lớn, liều vắc-xin bạch hầu phải giảm. Nếu những người này được tiêm nguyên liều sẽ gặp phản ứng phụ nghiêm trọng, như co giật. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. 

Lơ là trong phòng, chống sốt xuất huyết

Theo TS Tấn, sốt xuất huyết vẫn là một trong những bệnh lưu hành với tốc độ gia tăng cao. Từ năm 1980 tới nay, cứ 3 - 4 năm lại có một năm ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Những tuần gần đây, trường hợp mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng.

Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, Việt Nam ghi nhận gần 70 nghìn ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, miền Nam chiếm 57,5%, miền Trung chiếm 33%, Tây Nguyên 6% và miền Bắc 4%. Đa phần người mắc trên 15 tuổi.

Phát biểu về nguyên nhân gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, TS Đặng Quang Tấn nhận định, do chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban ngành đoàn thể.

“Ý thức cộng đồng còn chủ quan lơ là. Chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy không triệt để. Kinh phí hạn hẹp. Ngoài ra, chế tài xử phạt chưa được áp dụng tại các địa phương”, ông Tấn nói thêm.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, không để dịch, bệnh lây lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...