Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách Nhà nước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách Nhà nước

Theo Phó Thủ tướng, vào thời điểm năm 2014, Quốc hội thảo luận, thông qua Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết nói về SGK, nhưng thực chất có liên quan đến toàn bộ quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Khi Quốc hội thảo luận về Nghị quyết này, các đại biểu cho rằng, đổi mới giáo dục là cần thiết, thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK như các nước tiên tiến phải có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bởi lẽ, đã nhiều năm chúng ta thực hiện 1 chương trình, 1 bộ sách và SGK như là pháp lệnh.

Khi Quốc hội đồng ý có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, thì yêu cầu đặt ra là, phải bảo đảm tính công bằng trong cạnh tranh giữa các bộ sách. Qua đó, nhằm thúc đẩy các bộ SGK ngày càng chất lượng hơn.

Tuy nhiên, có luồng ý kiến cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cần có lộ trình và thời gian. Trong trường hợp xã hội hóa không có được ít nhất 1 bộ SGK đảm bảo chất lượng chuyên môn, chính trị thì sẽ không thực hiện được Nghị quyết Trung ương theo đúng lộ trình.

Lúc đó Quốc hội đã thống nhất thêm ý: Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Đây được coi như phương án dự phòng, để trong mọi trường hợp chúng ta đều có SGK triển khai chương trình GDPT mới.

Tuy nhiên, việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK không hẳn là tốt nhất. Vì khi đó các trường sẽ có thiên hướng chọn bộ sách của Bộ mà không chọn sách của các tổ chức, cá nhân. Như vậy, sẽ ảnh hưởng không tốt đến chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.

“Nhưng vì chúng ta tính đến phương án chủ động nên chấp nhận phương án Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, đồng thời cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và yêu cầu Bộ thường xuyên liên hệ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng quốc hội về việc này.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã làm đúng quy trình trong việc tổ chức biên soạn một bộ SGK, nhưng kết quả không được như mong muốn. Bộ đã có báo cáo đánh giá lý do.

Quan điểm thống nhất là, Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng hết sức, thực hiện hết trách nhiệm với đầy đủ nội dung đã được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp đã cố gắng hết sức nhưng không thực hiện được thì sẽ báo cáo Quốc hội để xin ý kiến.

Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ GD&ĐT và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo Phó Thủ tướng, thực tiễn cho thấy, chúng ta không cần dùng ngân sách Nhà nước để biên soạn SGK. Nhưng cần đề phòng trường hợp, khi xã hội hóa biên soạn SGK không thuận lợi; lúc đó, Quốc hội quyết định giao cho Thủ tướng để chỉ đạo thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ