Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương

GD&TĐ - Ngày 15/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương.  

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng ba thập kỷ vừa qua, châu Á-Thái Bình Dương có thể tự hào về sự chuyển mình, trở thành một khu vực hòa bình và một động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Khu vực cũng là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ngày nay, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, chiếm trên 50% GDP toàn cầu, và hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Dự báo tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050 trong khi 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Châu Á-Thái Bình Dương là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Do đó, không quá khi cho rằng thế kỷ 21 là “thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ không có tầm nhìn hoặc chiến lược nào có thể được thực hiện nếu không có hòa bình và an ninh. Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành với nhau. Trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh, hơn lúc nào hết, châu Á-Thái Bình Dương cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và có khả năng thích ứng.

Cấu trúc đó cần có khả năng bảo đảm sự bổ trợ giữa các tầng nấc hợp tác đa tầng nấc và quản trị khu vực hiệu quả, đồng thời tính đến và hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực.

Triển vọng của châu Á-Thái Bình Dương còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn, gồm: Năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng; mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng.

Để ứng phó với những thách thức trên, cần xây dựng một Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người.

Các động lực chính của tăng trưởng khu vực bao gồm cải cách cơ cấu, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, thương mại số, nguồn nhân lực chất lượng, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm tính bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội…

Châu Á-Thái Bình Dương cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cho rằng, các khuyến nghị và ý kiến của Hội nghị sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Điều này rất có ý nghĩa đối với “Đối thoại nhiều bên về APEC đến 2020 và tương lai” do Việt Nam và PECC đồng tổ chức vào ngày mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ