Với 2/3 tổng lượng nước trên 800 tỷ m3 của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước quốc tế, về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng, các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác. Kèm với đó là tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong khi việc sử dụng nước còn lãng phí, kém hiệu quả.
Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân hãy cùng nhau hợp tác, tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu các tác hại của nước, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường.
Những việc làm đó sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ “đảm bảo bền vững về môi trường”.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thay mặt các cơ quan Liên Hợp Quốc đã truyền tải thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon, đánh giá cao nỗ lực các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, trong nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu nước cho nông nghiệp, công nghiệp, đô thị cùng với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực, trong bối cảnh tài nguyên nước chỉ là hữu hạn và khủng hoảng về nước ở nhiều nơi.
Liên Hợp Quốc kêu gọi tinh thần hợp tác khẩn trương, sẵn sàng đón nhận mọi ý tưởng và sáng kiến mới, đồng thời chia sẻ các giải pháp vì một tương lai bền vững.
Nếu làm được thế, chúng ta có thể chấm dứt được đói nghèo, thúc đẩy sự thịnh vượng và phúc lợi toàn cầu, bảo vệ môi trường và chống chọi được với mối đe dọa của biến đổi khí hậu.