Phố sách còn thiếu... “sức sống”

Phố sách còn thiếu... “sức sống”

Đóng khung trong đìu hiu

Hà Nội chọn con phố 19/12 (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) để bắt đầu mở phố sách từ năm 2017. Trên con phố chỉ dài chừng 200m ấy, ki ốt sách của các đơn vị xuất bản, công ty văn hóa được dựng lên. Với những vách ngăn bằng kính, bên trong chúng chứa đầy những giá, kệ sách chật chội. Nếu cùng một lúc có mươi, mười lăm khách bước vào là đã “lấp đầy” và tạo ra cảnh chen chúc, bức bối.

Phố sách Hà Nội “quy tụ” những “gương mặt” xuất bản, phát hành “đình đám” trong nước như: NXB Phụ nữ, NXB Chính trị quốc gia sự thật, NXB Kim Đồng, Nhã Nam Book, Đinh Tỵ Book, Minh Long Book, Alpha Book... Thế nhưng, trừ một số dịp hội sách được mở, phố sách này gần như vắng vẻ, quạnh quẽ kể cả vào ngày cuối tuần, ngày lễ...

Nhiều nhân viên bán hàng đều than chuyện ki ốt đìu hiu khách nên chỉ mong mỗi ngày vài chục lượt khách qua đã là thấy mừng. “Việc mở ki ốt ở phố sách gọi là góp mặt cho vui. Gần như doanh thu của ki ốt không đủ chi thuê mặt bằng, điện nước... thì làm sao có thể tính đến chuyện lời lãi” – một nhân viên bán hàng (xin được giấu tên) cho hay.

Đi 2 chuyến xe buýt tới Phố sách Hà Nội vào ngày cuối tuần để tìm kiếm cuốn sách về tôn giáo, ông Võ Ái Mỹ (80 tuổi ở Gia Lâm) đã khá ngạc nhiên khi thấy phố sách quá vắng vẻ. Dẫn hai con đến với phố sách, chị Nguyễn Minh Hiền (Hà Đông) kể, chị chỉ có thể lưu lại ở đây chừng nửa tiếng đồng hồ. Chưa kịp dạo hết một vòng các ki ốt sách những đứa trẻ sớm đòi chị dời khỏi phố sách. “Chúng tôi mong chờ được đến với một không gian văn hóa vừa thư giãn vừa đọc sách vui vẻ chứ không phải là sự buồn tẻ của những cuốn sách nằm im lặng trên giá giống như bất kỳ cửa hàng kinh doanh sách ở đâu đó”, chị Hiền bày tỏ.

Tìm kiếm... “sức sống”

Nói về Phố sách Hà Nội, khi tham gia giao lưu “Hội sách trực tuyến quốc gia 2020”, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch Alpha book cho rằng, đây là một nỗ lực rất lớn của TP Hà Nội trong việc xây dựng thói quen đọc sách cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, sau 4 năm, phố sách còn thiếu “sức sống” khi không thể hoạt động quanh năm mà chỉ có thể hoạt động giống như... bể bơi, tức là hoạt động theo thời tiết. Nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, phố sách gần như... “đóng băng”.

Một yếu tố nữa cũng được ông Bình nhắc đến là phố sách này thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước. Bên cạnh mặt thuận lợi thì vẫn còn đó bất cập khi đơn vị quản lý không phải người làm trong ngành, không hiểu biết về ngành xuất bản, dẫn đến hai bên khó gắn bó, tìm tiếng nói chung. Tình trạng “cha chung không ai khóc” là chuyện đương nhiên.

Nguyên do thiếu “sức sống” của Phố sách Hà Nội cũng đã từng được ông Nguyễn An Tiêm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra trước đó. Chẳng hạn như sự lúng túng khi nhiều lần thay đổi cơ quan quản lý hay các gian hàng đóng khung trong lồng kính, quây sách lại, sợ mất...

Không riêng gì Phố sách Hà Nội mà đường sách ở TP Vũng Tàu cũng chưa trở thành điểm đến quen thuộc đối với độc giả, du khách dù đã đi vào hoạt động được mấy năm. Trong khi đó, ông Nguyễn Châu Hùng – Giám đốc Thư viện tỉnh Khánh Hòa cũng đang mong mỏi ở địa phương mình có một đường sách. Tuy nhiên, vì thực hiện theo cơ chế quản lý của Nhà nước phải theo đúng trình tự từ xây dựng đề án, báo cáo tỉnh phê duyệt rồi tổ chức đấu giá cho các đơn vị đầu tư... nên các bước thủ tục đang nằm trên giấy và hứa hẹn trong... tương lai. Ông Hùng đề xuất nếu có điều kiện mà trở thành một công viên sách để phụ huynh, học sinh đến giống như địa điểm văn hóa.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, Đường sách Nguyễn Huệ ở TP Hồ Chí Minh ngày càng thu hút sự quan tâm của độc giả khi không gian này luôn tích cực tổ chức nhiều hoạt động vào cuối tuần. Chính từ việc tạo môi trường và tổ chức hàng trăm hoạt động, sự kiện văn hóa mà Đường sách Nguyễn Huệ thực sự trở thành một không gian văn hóa sống động góp phần gieo tình yêu sách tới công chúng.

Là đường sách “trẻ” (mới đi vào hoạt động cuối năm 2019) song Đường sách Cà phê nơi phố núi (hẻm 2 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) khá nhộn nhịp. Không đóng khung ở những ki ốt giống hệt nhau mà sách ở đây được trưng bày trong những gian hàng với muôn kiểu dáng. Một không gian mở và luôn giao thoa cùng cả trăm sự kiện từ trò chơi, biểu diễn âm nhạc cồng chiêng, du ca đường phố, triển lãm chuyên đề nghệ thuật về văn hóa Tây Nguyên, các sản vật vùng miền như cafe, thổ cẩm... cũng được mở ra. Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột vẫn mong muốn không gian này được đón nhận sự “góp mặt” của các nhà xuất bản uy tín trong cả nước. “Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện dự án “Đưa thư viện về buôn” với mong muốn các em thiếu nhi, học sinh nghèo người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cũng có cơ hội tiếp cận với sách. Khi đó, các em cùng đọc, cùng trò chuyện và trải nghiệm gắn với công nghệ như: Lập trình robot, công nghệ in 3D...”, ông Tuấn chia sẻ.

“Cần một cơ chế xã hội hóa tạo nên sự chủ động, linh hoạt, thuận lợi cho sự phát triển của đường sách, phố sách... Những điểm đến này không nên dừng lại là nơi tập hợp các ki ốt chỉ bán sách mà cần mở ra không gian văn hóa, trong đó, lấy sách làm lõi cho các sự kiện kết hợp với các lĩnh vực khác như: Nghệ thuật, giáo dục, kinh tế, chính trị... Cũng rất cần tạo sự cộng hưởng về không gian văn hóa, ẩm thực, các giá trị bản địa mỗi địa phương ngay từ tên gọi cho đến các hoạt động. Khi ấy, không nhất thiết cứ phải là đường sách, phố sách mà sẽ có những công viên sách, vườn sách... tạo nên “sức sống” tươi mới, thu hút được độc giả”. - Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.