Ngày 27/7/2013, trong Hội nghị CTV của Báo Giáo dục và Thời đại tại Lăng Cô ( Thừa Thiên Huế) nhạc sĩ đã bày tỏ cảm nghĩ hết sức chân thành của mình khi sáng tác hành khúc này.
Khoảng 5 năm trở lại đây, với vai trò là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, phụ trách mảng văn hóa văn nghệ, phải đảm đương nhiều chương trình nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế cũng như viết và làm tổng đạo diễn cho nhiều lễ hội của tỉnh Quảng Nam, tôi gần như không có thời gian trống để đọc báo cũng như tham gia viết bài cho các báo nữa.
Đến đầu năm 2013, cô Thúy Hồng- Trưởng đại diện của Báo Giáo dục và Thời đại đặt vấn đề phỏng vấn tôi nhân sự kiện tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII).
Sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được tập báo Giáo dục và Thời đại số đặc biệt, ở mục Trò chuyện có bài trả lời phỏng vấn tôi với tiêu đề “Bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho giới trẻ bằng hoạt động văn hóa nghệ thuật”.
Đọc trang báo, tôi rất bất ngờ trước độ chuẩn mực và tinh tế từ câu chữ đến nội dung bài phỏng vấn, tập trung vào những vấn đề thời sự nóng xung quanh Nghị quyết Trung ương 5. Tôi quan tâm tới Báo Giáo dục và Thời đại từ đấy.
Tôi còn nhớ vào đầu tháng 6/2014, cô Thúy Hồng gọi điện thoại khẩn khoản nhờ tôi phổ nhạc bài thơ của cô với mục đích làm tiết mục hoạt cảnh múa hát mở đầu chào mừng Hội nghị CTV Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Lăng Cô.
Thời điểm đó (suốt cả tháng 6), tôi ở trong BTC Festival Di sản Quảng Nam và cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3/2013, gần như không có cả thời gian để nghỉ ngơi nên tôi chỉ ừ à cho qua chuyện, bảo sẽ trả lời sau.
Nhưng rồi cô Thúy Hồng đã chuyển bài thơ qua email của tôi. Và ngay từ đầu bài thơ đã đánh thức trong tôi dòng cảm xúc ẩn náu đâu đó trong tâm khảm:
Thông tin! Thông tin...
Theo dòng hối hả
Từng ngày từng giờ
Tỏa khắp muôn nơi
Tới một nơi
Ở đó có tiếng hát, lời thơ
Có hoa thơm và cỏ lạ
Xa cách những u sầu
Và cạm bẫy bon chen
Đó là những ngôi trường,
Những nẻo đường vui
Nơi dốc cao, chốn rừng già, phố núi
Trong tâm trí tôi lúc ấy hiện ra hình ảnh của những ngôi trường vùng sâu, vùng xa mà tôi được chứng kiến khôngít lần đi công tác. Nơi ấy, các thầy cô giáo đã phải chịu rất nhiều gian khó để bám trường, bám lớp; thậm chí, không ít nữ giáo viên đã phải đánh đổi tuổi xuân của mình vì sự nghiệp trồng người.
Làm sao để những cống hiến, sự hi sinh thầm lặng của họ phải được mọi người biết đến ? Tôi cho rằng, Báo Giáo dục và Thời đại nhận lãnh trách nhiệm truyền thông về sự nghiệp giáo dục và đào tạo là nhận lãnh trách nhiệm vinh quang, cao cả. Thế là tôi đặt bút viết nhạc cho bài thơ ngay trong đêm với thể hành khúc, nhịp 2/4 nhịp nhàng, mạnh mẽ.
Tôi có sửa của cô Thúy Hồng mấy chữ cho phù hợp với nền nhạc, cũng như bỏ đi đôi câu có vẻ ”báo chí hóa” làm khô cứng giai điệu cần thiết phải tươi vui, uyển chuyển của bài hát ngợi ca mái trường và người thầy, chẳng hạn như câu ”xa cách những u sầu/và cạm bẫy bon chen”.
Viết trong một hoàn cảnh gấp gáp như thế nhưng khi ngồi dự Hội nghị cộng tác viên của báo, khi đĩa nhạc bài Hành khúc Báo Giáo dục và Thời đại vang lên, chính tôi cũng cảm thấy xúc động. Với người nhạc sĩ, một bài hát mà mọi người đều có thể nghe được, cảm nhận được, ấy là đủ rồi!