Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi: Hoàn tất chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới

GD&TĐ - Hòa trong không khí náo nức mùa tựu trường, cùng với các địa phương trong cả nước, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã sẵn sàng bước vào năm học 2022 - 2023. PV Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Tuấn – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Ông Trần Hoàng Tuấn – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Trần Hoàng Tuấn – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi.

PV: Thưa ông, đến nay công tác chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành thực hiện như thế nào?

Ông Trần Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi: Trên cơ sở thực hiện khung Kế hoạch thời gian năm học 2022-2023, ngành Giáo dục đã chủ động hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tựu trường và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018; chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức Lễ khai giảng năm học mới tất cả các trường trong toàn tỉnh vào ngày 5/9/2022, với khí thế trang trọng, ngắn gọn, bảo đảm an toàn, phù hợp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, sẵn sàng cho năm học mới của học sinh, giáo viên và toàn xã hội.

Năm 2022, ngành Giáo dục đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Ngoài ra, các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí thực hiện mua sắm trang thiết bị, sửa chữa các công trình trường học với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động tiến hành sửa chữa trường, lớp học và tổ chức mua sắm trang thiết bị để chuẩn bị tốt nhất cho Lễ khai giảng năm học mới.

Để chuẩn bị tốt cho năm học 2022-2023, ngành Giáo dục đã chú trọng trong việc thực hiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Đối với việc thừa, thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện công tác điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu để bố trí và phân công giáo viên phù hợp. Đồng thời, đang triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2022. Theo đó, chỉ tiêu được tuyển dụng trong năm 2022 là 1.053 giáo viên, trong đó bậc mầm non 213, bậc tiểu học 471, bậc trung học cơ sở 205 và trung học phổ thông là 164 giáo viên.

Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới, sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học 2022-2023.

Ông Trần Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT hồi tháng 7/2022.

Ông Trần Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT hồi tháng 7/2022.

PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn của tỉnh hiện nay trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo?

Ông Trần Hoàng Tuấn: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà, đã có nhiều chỉ đạo kịp thời để ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ "kép" trong năm học 2021-2022.

Quy mô mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển, hoàn thiện; chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được tiếp tục củng cố, duy trì; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu đề ra; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được thể hiện qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT tăng 10 bậc so với năm học trước.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong giai đoạn 2022-2025 để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDMN và GDPT theo lộ trình nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.

Đội ngũ nhà giáo được chuẩn hóa, đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phát động phong trào chuyển đổi số đến toàn ngành giáo dục và đào tạo với các nội dung như: phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch của Nhà nước và của tỉnh về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và chuyển đổi số; hướng dẫn kỹ năng số cộng đồng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Cổng dịch vụ công và một số kỹ năng cơ bản. Đây là tiền đề cho ngành giáo dục bước vào kỷ nguyên số.

Cơn bão số 9 năm 2020 gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều trường học tại Quảng Ngãi.

Cơn bão số 9 năm 2020 gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều trường học tại Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Giáo dục Quảng Ngãi vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Hiện nay, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, còn thiếu giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học đối với cấp tiểu học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Công tác đoàn - đội đối với cấp trung học phổ thông.

Về cơ sở vật chất, mặc dù hằng năm, UBND tỉnh đã bố trí đủ ngân sách cho giáo dục, tuy nhiên so với yêu cầu đổi mới giáo dục thì mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Một số huyện miền núi còn có nhiều điểm trường lẻ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thiết bị dạy học chưa đảm bảo.

Đối với các Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành Thông tư quy định điều lệ hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX gây khó khăn trong quá trình hoạt động của các trung tâm.

PV: Để công tác dạy và học được triển khai thuận lợi, hiệu quả, tỉnh đã có những giải pháp và kiến nghị, đề xuất gì đối với Bộ, ngành Trung ương?

Ông Trần Hoàng Tuấn: UBND tỉnh sẽ ban hành Chỉ thị năm học 2022-2023, trong đó tập trung vào một số nội dung:

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường trong công tác quản lý giáo dục, xây dựng phát triển nhà trường theo phân cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị trường học, phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo trong nhà trường.

Tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trường học trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục, đồng thời thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đồng thời chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Nội vụ rà soát, bổ sung biên chế giáo viên trong năm học 2022-2023 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, trong đó ưu tiên bổ sung biên chế giáo viên cho các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Ngành giáo dục và đào tạo cần chú trọng trong công tác nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của từng cơ sở giáo dục, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng giáo dục của nhà trường.

Các nhà trường tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và khơi dậy khát vọng cống hiến của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Xây dựng nề nếp, kỷ cương trong hoạt động học tập, giáo dục ý thức học tập cho học sinh.

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường công tác chuyển đổi số vào công tác quản lý và hoạt động giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ở tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức an toàn, đúng quy chế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ở tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức an toàn, đúng quy chế.

Kiến nghị với Bộ GD&ĐT sớm triển khai định hướng về công tác khảo thí đến học sinh, phụ huynh như: cách thức thi tốt nghiệp của Chương trình GDPT 2018, cách thức tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng, để các cơ sở giáo dục chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục của nhà trường và trong công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Đề xuất giao chỉ tiêu đào tạo các môn học theo Chương trình GDPT 2018 đến các trường Đại học, Cao đẳng để đáp ứng nhu cầu giáo viên còn thiếu hiện nay nhất là môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ.

Cần sớm ban hành Thông tư quy định điều lệ của Trung tâm GDNN-GDTX để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp và hoạt động của trung tâm.

PV: Thưa ông, tại Kỳ họp Chuyên đề HĐND tỉnh sắp diễn ra, UBND tỉnh dự kiến trình những nội dung gì, các kiến nghị, đề xuất gì về lĩnh vực giáo dục và đào tạo để HĐND tỉnh xem xét, giải quyết?

Ông Trần Hoàng Tuấn: Dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét tại Kỳ họp Chuyên đề HĐND tỉnh vào tháng 9/2022 các vấn đề như ban hành nội dung và mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn tỉnh và ban hành quy định nội dung và mức chi thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Đề xuất, kiến nghị vào kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm một số nội dung nổi bật gồm: đề nghị thông qua một số chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu của Chương trình GDPT 2018; tập trung tuyên truyền, giải quyết tình trạng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở phù hợp với từng vùng miền; ngoài ra còn đề nghị HĐND tỉnh thông qua một số quy định nội dung và mức chi hoạt động của ngành, để đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường theo đúng quy định.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.