Phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học có vai trò đặc biệt quan trọng

GD&TĐ - Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật trong trường học nên trong thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn quan tâm chú trọng công tác này và đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận,

Sinh động hình thức GD pháp luật trong nhà trường.
Sinh động hình thức GD pháp luật trong nhà trường.

Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, hình thức giáo dục pháp luật trong trường học hiện nay.

- Xin ông cho biết về sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục trong các nhà trường phổ thông hiện nay?

Trước hết phải khẳng định, công tác pháp chế nói chung, công tác soạn thảo VBQPPL và giáo dục phổ biến pháp luật trong toàn XH và ngành GD là rất quan trọng; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp đã ký kết và triển khai rất  hiệu quả công tác phối hợp trong việc thực hiện công tác pháp chế, XD pháp luật liên quan của ngành GD…. Hằng năm 2 đồng chí Bộ trưởng đều quan tâm chỉ đạo, tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá và định hướng triển khai để hoạt động này đi vào nền nếp, ngày càng hiệu quả.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; ban hành kế hoạch triển khai Đề án Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021...

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các cơ sở GD đại học thành lập bộ máy theo dõi, tham mưu triển khai công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác phối hợp giữa hai Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp được thực hiện thường xuyên, rất chất lượng, hiệu quả; trực tiếp giúp ngành GD triển khai tốt công tác hoàn thiện pháp luật và giáo dục toàn diện cho HSSV.

Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT)
Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT)

- Xin ông cho biết các hình thức giáo dục pháp luật trong các nhà trường hiện nay?

Hằng năm Bộ GD&ĐT đều ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của toàn ngành; ban hành Hướng dẫn Tuần Sinh hoạt công dân- học sinh sinh viên, tuần sinh hoạt đầu năm học đối với các cấp học.

Trên cơ sở kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật chung của ngành, các Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Tư pháp ở địa phương tổ chức thực hiện nhiều hoạt động trong phổ biến, giáo dục trong trường học như: Tổ chức tập huấn các kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho học sinh.

Xây dựng và tổ chức hoạt động khảo sát lấy ý kiến của giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, học sinh nhằm đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng trên để xây dựng kế hoạch, tài liệu phổ biến pháp luật cho phù hợp, thiết thực.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là tập huấn, tuyên truyền miệng, biên soạn cấp phát tài liệu, tổ chức cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với cuộc họp, phối hợp với các ngành có liên quan, phát huy hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh bao gồm như: Tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các quy định pháp luật về cán bộ, công chức; các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các quy định pháp luật về hội nhập quốc tế; các quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ; các quy chế về đào tạo, rèn luyện học sinh, sinh viên; các bộ luật, luật liên quan tới giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh.

Cuộc thi Pháp luật học đường đã lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.
Cuộc thi Pháp luật học đường đã lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.

-  Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, hiệu ứng lan toả của Cuộc thi Pháp luật học đường?

Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp đã phối hợp hiệu quả tổ chức Cuộc thi Pháp luật học đường trong nhiều năm qua. Sau mỗi lần tổ chức, chủ đề, nội dung, phương thức, đối tượng dự thi lại được điều chỉnh cho hiệu quả hơn.

Năm 2019-2020, hai Bộ phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức Cuộc thi Pháp luật học đường, dành cho HS phổ thông và học sinh các trường nghề, với các nội dung đề thi phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết của các em.

Các nội dung Luật mới, quan trọng trong học đường và các vấn đề quan trọng được đưa vào nội dung thi (Luật Giáo dục 2019, Luật GDNN, Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, kể cả các Thông tư liên quan đến chế độ chính sách HSSV, quy chế đánh giá người học)

Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tư pháp tại địa phương chỉ đạo các trường học tích cực hưởng ứng Cuộc thi.

Có thể đánh giá, Cuộc thi Pháp luật học đường năm 2020 tạo được lan tỏa lớn trong cộng đồng và xã hội, góp phần đổi mới phương pháp học tập, tìm hiểu pháp luật trong nhà trường, giáo dục ý thức, thói quen tìm hiểu pháp luật, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, cải tiến mạnh mẽ để Cuộc thi trở thành sân chơi bổ ích, lành mạnh, tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, GD pháp luật đến HSSV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ