Phim kinh dị Việt chớp thời cơ ra rạp

GD&TĐ - Cuối năm 2023, phim kinh dị đang là thể loại thống trị tại các rạp, đem lại doanh thu cao, thu hút người xem.

Đạo diễn Lương Đình Dũng tại trường quay phim 'Đồi hành xác'.
Đạo diễn Lương Đình Dũng tại trường quay phim 'Đồi hành xác'.

“Hút” khán giả

Thể loại phim kinh dị luôn có một sức hút nhất định để kéo khán giả đến rạp. Nếu như trước đây, phim kinh dị Việt thường bị đánh giá là thiếu sáng tạo khi chỉ dựa vào những yếu tố ma quỷ đơn thuần để gợi sự tò mò, thì gần đây, dòng phim này đang có những bước tiến khi các tác phẩm có bản sắc riêng, không còn ý tưởng bắt chước lai căng phim ngoại.

Cùng với sự cởi mở trong quy định kiểm duyệt, thể loại phim kinh dị đang là mảnh đất màu mỡ để giới làm phim sáng tạo thỏa thích. Vốn đầu tư không quá tốn kém, bối cảnh cũng đơn giản nhưng có thể đem lại những cú giật mình “thót tim” nhờ các nút thắt bất ngờ.

Cùng với tăng lên về số lượng, chất lượng phim kinh dị Việt cũng đang dần cải thiện. Nhiều nhà làm phim đã chú trọng việc xây dựng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh... mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, yếu tố dân gian kỳ dị mang đậm dấu ấn thuần Việt cũng được khai thác tối đa nhằm “Việt hóa” các câu chuyện vốn giống phim ngoại.

Cuối năm 2023, hai bộ phim kinh dị Việt “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu” đang chiếu rạp hiện có doanh thu khá tích cực.

Phim “Kẻ ăn hồn” khởi chiếu chính thức từ ngày 15/12 và đang đem về doanh thu trên 55 tỉ đồng và sắp tới phim sẽ được chiếu tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Quỷ cẩu” khởi chiếu từ ngày 22/12 và đang đạt khoảng 18 tỉ đồng, được xếp số suất chiếu tương đối lớn (hơn 1.600 suất mỗi ngày).

“Kẻ ăn hồn” do đạo diễn Trần Hữu Tấn chuyển thể từ tiểu thuyết của Thảo Trang. Tác phẩm được quan tâm nhờ hiệu ứng của “Tết ở làng Địa Ngục” - series kinh dị cùng ê-kíp sản xuất, chiếu trên Netflix. Bản điện ảnh là tiền truyện của series, diễn biến chính xảy ra trước làng địa ngục khoảng nửa thế kỷ.

Phim mở màn với cảnh đám cưới của Phong (Hoàng Hà) và Sang (Võ Điền Gia Huy) tại ngôi làng tách biệt với thế giới xung quanh. Người trong làng từ lâu không thể xuống núi, chịu một lời nguyền lâu đời vì tổ tiên họ từng gây nên nhiều vụ thảm sát.

Phong phát hiện một phụ nữ lạ mặt xuất hiện trong lễ cưới, song cha cô và những người xung quanh đều không tin. Sau đó, loạt vụ án mạng lần lượt diễn ra trong làng, dần hé lộ tình tiết liên quan đến Thập Nương (Lan Phương) - một linh hồn có khả năng tà thuật. Phong vừa bảo vệ gia đình và dân làng, vừa tìm chân tướng kẻ thủ ác.

Dù “Kẻ ăn hồn” bị giới chuyên môn đánh giá là mắc lỗi kịch bản và diễn xuất nhưng bù lại khâu tạo hình lại cực kỳ đặc sắc, ấn tượng, khắc họa thành công không gian u ám của làng địa ngục, hình ảnh con đò chở vong, cách nhân vật luyện tà thuật.

“Quỷ cẩu” của đạo diễn trẻ Lưu Thành Luân được chú ý nhờ đề cập vấn đề gây tranh cãi - có nên ngừng ăn thịt chó? Chuyện phim xoay quanh gia đình nọ hành nghề mổ chó. Gia đình này vừa trở thành lò mổ chó lớn nhất, do nhà “số 1” trước đó đã gặp biến cố lớn. Dần dần gia đình này cũng gặp loạt tai ương, nghiệp báo tương tự do những con chó gây ra.

Một nguyên nhân khác được hé lộ, gia đình này không chỉ giết mổ, bán thịt chó, mà còn phạm nhiều trọng tội như tà dâm, hãm hại, giết người với chính thân nhân. Yếu tố thuần Việt còn được thể hiện thông qua truyền thuyết dân gian “chó đội nón mê” với hình dạng một con chó đội chiếc nón lá rách, đi bằng hai chân, chống gậy như người, mang đến nhiều điềm dữ.

Sau hơn 10 ngày công chiếu, phim 'Kẻ ăn hồn' đem về doanh thu trên 55 tỉ đồng và sắp tới phim cũng sẽ được chiếu tại 13 quốc gia.

Sau hơn 10 ngày công chiếu, phim 'Kẻ ăn hồn' đem về doanh thu trên 55 tỉ đồng và sắp tới phim cũng sẽ được chiếu tại 13 quốc gia.

Tìm khoảng trống

Với sự thành công bước đầu của “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu”, tương lai không xa phim kinh dị Việt sẽ xuất hiện thêm nhiều tác phẩm chất lượng. Trong số đó, có “Đồi hành xác” của đạo diễn Lương Đình Dũng dự kiến bấm máy vào tháng 5/2024.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, đây là dự án phim kinh dị mà ê-kíp sản xuất đã chuẩn bị rất lâu. Phim đề cập, bóc trần sự huyền bí về thuyết thần giữ của rùng rợn. Phim sẽ đưa khán giả theo chân Bảo – một thanh niên làm nghề sửa chữa, độ xe.

Trong một lần tháo dỡ chiếc xe đời 90, Bảo vô tình động phải những bí ẩn mà đáng ra cần để cho nó ngủ yên. Từ đó, các hiện tượng lạ bắt đầu bao trùm quanh khu xưởng độ xe. Các thế lực tà ác và con người thật đằng sau lớp “áo trùm tử tế” của các nhân vật cũng bắt đầu lộ diện...

Yếu tố thuần Việt trong phim 'Quỷ cẩu' được thể hiện thông qua truyền thuyết dân gian 'chó đội nón mê'.

Yếu tố thuần Việt trong phim 'Quỷ cẩu' được thể hiện thông qua truyền thuyết dân gian 'chó đội nón mê'.

Đối với phim kinh dị, theo đạo diễn Lương Đình Dũng, điểm khó nhất vẫn là kịch bản và điểm mới lạ trong đề tài. Xét cho cùng thì trên thế giới, phim kinh dị rất nhiều nhưng vẫn có phim vừa đạt được yếu tố hay vừa thành công về doanh thu. Vậy chúng ta phải tìm được những khoảng trống mà chưa từng được khai thác.

Nhà làm phim cũng phải PR cho phim, có diễn viên nổi tiếng đi kèm. Hai việc này làm tốt thì ba ngày đầu bộ phim đó ra rạp có thể có doanh thu tốt, sau đó thì chất lượng phim sẽ giữ chân khán giả. Các điểm khác như hóa trang hay các kỹ thuật dàn dựng phim kinh dị không còn khó khăn với nhà sản xuất phim Việt Nam hiện nay.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết thêm: “Có khá nhiều khó khăn tồn tại để sản xuất một bộ phim kinh dị. Ví dụ như gửi kịch bản đến các nơi, họ vẫn lấn cấn do chưa phân biệt rõ giữa phim và đời thực nó khác nhau. Vì thế đôi khi các nơi bối cảnh vẫn ngại cho quay phim. Phim kinh dị nó có thủ thuật riêng, nếu không thì những cảnh kinh dị lại khiến khán giả buồn cười hơn là khiếp sợ”.

“Đề tài nào cũng có cơ hội cho thị trường nếu quảng bá tốt kèm theo chất lượng phim tốt. Sự thật về dòng phim kinh dị có đang ăn khách ở Việt Nam thì chúng ta cũng dự đoán thôi. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nếu nghĩ nó là xu hướng và ồ ạt chạy theo, làm cẩu thả thì có thể dòng phim này mất thị trường, nghĩa là mất lòng tin của khán giả dẫn tới việc lấy lại nó là điều rất khó khăn”, đạo diễn Lương Đình Dũng nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Phim mai bản quyền tại Galaxy Play