Ngày 4/4, ở TP HCM, ban tổ chức công bố tác phẩm dự thi, gồm 14 phim điện ảnh, 13 phim truyền hình, 14 phim hoạt hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 26 phim ngắn và hai công trình lý luận, phê bình. Tiêu chí giải thưởng là đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Quỳnh Búp Bê (đạo diễn Mai Hồng Phong) tham gia mảng truyền hình. Phương Oanh (vai Quỳnh) và Thu Quỳnh (vai My) được đăng ký ở hạng mục nữ chính, còn Thanh Hương (vai Lan), Quỳnh Kool (vai Đào) dự giải nữ phụ. Series về thân phận gái làng chơi thu hút nhiều khán giả năm qua, thành phim Việt được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Một số phim truyền hình gây chú ý khác như Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu, Cả một đời ân oán cũng góp mặt.
Ở mảng điện ảnh, phim từ năm 2018 và đầu năm nay (có giấy phép phát hành trước ngày 12/4) được phép tham gia. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm nổi bật vắng bóng như Lật mặt 3, Cua lại vợ bầu và Hai Phượng - phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời. Ban tổ chức nói đã gửi thư mời đến tất cả đơn vị có phim hợp lệ nhưng nhiều hãng không dự bởi lý do riêng. Đại diện Ngô Thanh Vân (nhà sản xuất kiêm đóng chính Hai Phượng) chưa nêu lý do vắng mặt. Năm 2018, phim Cô Ba Sài Gòn của đơn vị cô thắng giải Cánh Diều Vàng.
Trường hợp đặc biệt ở mảng điện ảnh là Nơi ta không thuộc về của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Tác phẩm của đơn vị Điện ảnh Quân đội Nhân dân chưa chiếu nhưng vẫn tranh giải. Theo ban tổ chức, phim dự kiến có giấy phép phát hành trước ngày 12/4 nên đủ điều kiện tham gia. Nơi ta không thuộc về cũng là phim điện ảnh Nhà nước duy nhất dự thi. Ngoài ra, danh sách có Thạch Thảo là phim hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
Các tác phẩm remake (kịch bản được Việt hóa từ phim nước ngoài) được tranh tài ở tất cả hạng mục trừ biên kịch. Với tình hình số lượng phim remake đang tăng, kể cả mảng truyền hình, ban tổ chức cho biết cân nhắc mở giải "Phim remake thành công nhất" vào năm sau. Ngoài ra, theo điều lệ Cánh Diều, cá nhân đoạt giải phải là người Việt Nam, ví dụ như đạo diễn Ken Ochiai (phim Hồn papa da con gái) không thể tranh tài.
Các phim điện ảnh được trình chiếu miễn phí từ ngày 8 đến 10/4 ở Cinestar Hai Bà Trưng, BHD Quang Trung (TP HCM) và Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương (Hà Nội). Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 12/4 ở TP HCM.
Cánh Diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, ra đời từ năm 2003. Năm ngoái, Cô Ba Sài Gòn thắng giải "Phim điện ảnh xuất sắc" còn Thương nhớ ở ai là "Phim truyền hình xuất sắc".