Phim từ kịch bản văn học: Khẩu vị mới cho khán giả

GD&TĐ - Những bộ phim được chuyển thể từ kịch bản văn học đã khẳng định được vị thế của mình. Việc khán giả hào hứng mong chờ sự ra mắt của bộ phim Cô gái đến từ hôm qua chứng tỏ sức hút không hề nhỏ của thể loại phim này.

Cô gái đến từ hôm qua - một trong những bộ phim đang nhận được sự quan tâm của khán giả
Cô gái đến từ hôm qua - một trong những bộ phim đang nhận được sự quan tâm của khán giả

Từ truyện đến... màn ảnh

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã tạo được những dấu ấn với khán giả trong nước và quốc tế. Nhiều bộ phim được đánh giá cao về nội dung và kỹ xảo điện ảnh cũng như diễn xuất của các diễn viên. Đặc biệt những bộ phim được dàn dựng từ các tác phẩm văn học đã mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc. Những bộ phim như Quyên, Hương Ga, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… được chuyển thể khá thành công đã phần nào tạo được thương hiệu cho phim Việt Nam.

Dấu ấn của thể loại phim này cũng từng được khẳng định ở những bộ phim gây được tiếng vang trong quá khứ. Ngược thời gian trở về trước, những bộ phim như Làng Vũ Đại ngày ấy (chuyển thể từ loạt truyện ngắn của nhà văn Nam Cao gồm Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc); Chị Dậu (chuyển thể từ tác phẩm Tắt đèn - Ngô Tất Tố đã rất thành công trong việc khắc họa những số phận cuộc đời của một thời kỳ đen tối mà ở đó thấm đẫm giá trị nhân văn.

Những bộ phim sau này như Thời vang bóng (từ Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), Đất phương Nam (từ Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi)... cũng là những bộ phim rất ấn tượng với người xem.

Để những bộ phim chuyển thể từ kịch bản văn học một cách thành công cũng đòi hỏi tài năng của các nhà biên kịch. Bởi vì, nếu tác phẩm văn học phản ánh nội dung thông qua lăng kính ngôn từ thì điện ảnh lại sử dụng chất liệu là hình ảnh.

Theo Tiến sĩ Đào Lê Na, chuyên ngành Biên kịch thuộc Viện Truyện tranh và Hoạt hình: Đạo diễn hoàn toàn có quyền bám sát tác phẩm gốc hoặc thay đổi. Nhưng kể cả khi tôn trọng nguyên tác, các đạo diễn sau khi lấy được cái gì từ tác phẩm văn học thì nên cấu trúc lại và tái sáng tạo.

Hiệu quả của hình ảnh khác với hiệu quả của văn học. Tác giả văn học có thể miêu tả rất dài trên mấy trăm trang văn bản nhưng một kịch bản phim thì chỉ khoảng hơn 100 trang. Vì thế nên phải lựa chọn, tiết kiệm thời lượng và nhấn vào đúng ngôn ngữ hình ảnh gây ấn tượng với người xem.

Ấn tượng với phim mới

Thừa thắng với doanh thu thuộc loại “khủng” của phim Em là bà nội của anh, đạo diễn Phạm Gia Nhật Linh tiếp tục thử sức với phim Cô gái đến từ hôm qua. Khác với bộ phim trước mang đậm yếu tố hài với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bộ phim lại nhẹ nhàng dung dị với câu chuyện tình yêu lãng mạn của Thư (Ngô Kiến Huy) và Việt An (Miu Lê).

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những ai thuộc thế hệ 7X, 8X đều nhớ lại quá khứ thanh xuân của mình khi xem bộ phim này. Tình yêu lứa tuổi học trò thời ấy mặc dù không điện thoại di động, không có Facebook, nhưng cũng không kém phần thi vị lãng mạn.

Yếu tố tình huống không phải là thế mạnh trong cốt truyện của nhà văn, tuy nhiên bằng cách riêng của mình đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã tạo được dấu ấn khá độc đáo. Đôi khi người ta không thể đánh giá một cách rõ ràng sự hấp dẫn của bộ phim mà chỉ có thể cảm nhận được điều ấy bằng xúc cảm mà bộ phim mang đến.

Nếu như bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đưa khán giả tới miền đất Phú Yên với những trảng cỏ xanh mướt, những trò chơi dân gian cùng cuộc sống của những đứa trẻ nghèo lam lũ, thì bộ phim Cô gái đến từ hôm qua cũng thấm đẫm chất thơ khi miền đất Quảng Nam được nhắc đến qua những hình ảnh trong phim.

Đan cài những mẩu chuyện về tuổi học trò mộng mơ là những dãy nhà ba gian lợp ngói với khoảng sân xanh mướt cây cỏ nằm nép mình bên bờ kênh nước trong vắt; cánh đồng hoa mua, hoa sim trải dài ngút mắt; những con đường làng rợp bóng cây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ