Dưới đây là chia sẻ của cô Vũ Thanh Huyền - Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Đinh) - hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu văn bản kịch.
Hướng dẫn học sinh đọc văn bản kịch
Có nhiều cách đọc: Đọc to, đọc thầm, đọc nhanh, đọc lướt, đọc diễn cảm, đọc hiểu... Khi đọc kịch phải chú ý kịch viết ra không phải là để đọc mà là để diễn, mặc dù chúng ta biết kịch được đưa vào trong nhà trường là kịch bản văn học chứ không xem xét nó như một bộ môn nghệ thuật.
Đọc ở đây là đọc kịch bản có liên hệ với sân khấu. Có thể tổ chức cho học sinh đọc phân vai, kết hợp đọc diễn cảm. Đọc phân vai để học sinh thấy rõ được bản chất khái quát nhất của từng nhân vật. Đọc diễn cảm là để thấy những biểu hiện sâu sắc về nội tâm, tính cách của nhân vật kịch
Ví dụ: Giáo viên hướng dẫn đọc đoạn tríchVĩnh biệt Cửu Trùng Đài hồi V (9 lớp) theo hình thức phân vai và đọc diễn cảm như sau:
Giáo viên chiếu sơ đồ nhân vật tham gia vào đoạn kịch cho học sinh hình dung lại tuyến nhân vật. Học sinh lựa chọn vai đọc theo hứng thú.
Vì đọc đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong bối cảnh thoát ly môi trường sân khấu, lại trong khuôn khổ của một khoảng thời gian hạn hẹp, do vậy giáo viên cần định hướng để học sinh đọc có điểm nhấn. Đọc để tiếp cận với những đoạn, những vấn đề trọng tâm của vở kịch.
Đọc chủ yếu vào những đoạn xoay quanh xung đột, hành động kịch, tưởng tượng như là kịch đang diễn ra trước mắt. Đọc phân vai ở những đoạn đối thoại của các nhân vật, đọc diễn cảm ở những lời độc thoại của nhân vật để thấy rõ nội tâm nhân vật, suy tư, cảm xúc của nhân vật.
Giáo viên lựa chọn kỹ vai đọc và hướng dẫn cụ thể cách đọc cho nhân vật trung tâm, nhân vật chính của đoạn kịch: Vũ Như Tô, Đan Thiềm.
Vũ Như Tô nên đọc giọng băn khoăn, chất chứa những câu hỏi lớn vừa nhức nhối, vừa da diết, khắc khoải. Giọng Đan Thiềm lo lắng, hốt hoảng, cứng cỏi
Học sinh đọc và dùng bút nhớ gạch chân các lời thoại, hay hành động kịch mà người học cảm thấy tâm đắc, có ý nghĩa bộc lộ nội dung, tư tưởng.
Để kiểm tra hoạt động đọc, sau khi đọc xong, giáo viên sẽ yêu cầu một học sinh tóm tắt lại diễn biến đoạn kịch.
Tìm hiểu văn bản kịch bằng phương pháp phân tích, tổng hợp
Giáo viên có thể sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để khai thác các yếu tố trọng tâm của vở kịch.
Đây là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố để đi sâu xem xét một cách kĩ càng nội dung và mối quan hệ bên trong cũng như bên ngoài của chúng.
Tuy nhiên, sau khi chia tách cần phải tổng hợp lại để có một cách nhìn mới về chỉnh thể, phân tích tác phẩm văn chương là tháo gỡ tất cả tương quan vẫn không tách rời nhau trong chỉnh thể nghệ thuật.
Với văn bản kịch, đối tượng phân tích nên hướng tới đó là: Phân tích xung đột kịch, phân tích nhân vật kịch, phân tích hành động kịch, phân tích ngôn ngữ kịch.
Phân tích xung đột kịch có thể là xung đột bên ngoài hoặc xung đột bên trong nhân vật. Thông thường, các xung đột kịch kéo dài, xuyên suốt văn bản, được giải quyết đồng thời với vở kịch kết thúc.
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh nắm bắt diễn biến, kết cấu của vở kịch, hồi kịch, từ đó khơi gợi để học sinh chỉ ra những xung đột của kịch.
Với hai văn bản khảo sát đều là bi kịch thì xung đột kịch luôn căng thẳng, không thể điều hoà, mọi cách khắc phục đều có thể dẫn đến cái chết. Ở vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là cái chết của Trương Ba, ở Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là cái chết của của Vũ Như Tô, Đan Thiềm
Phân tích nhân vật kịch: Trong bi kịch, nhân vật kịch thường mang trong mình những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa khát khao cao cả và những lỗi lầm không thể tránh khỏi.
Vì vậy việc phân tích nhân vật bi kịch chính là tìm hiểu, cắt nghĩa, lí giải bi kịch của nhân vật đó, tức là quá trình dẫn dắt học sinh trả lời câu hỏi: Nhân vật đó có bi kịch gì? tại sao anh ta lại rơi vào bi kịch đó? bi kịch của nhân vật có ý nghĩa gì?
Nhân vật bi kịch thường có kết thúc bi thảm, giáo viên hãy giúp học sinh phân tích thấy được ý nghĩa thức tỉnh hay dự báo về một điều gì đó tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong cuộc sống và trong mỗi người.
Phân tích hành động kịch: Hành động kịch có thể là hành động thuộc về các biến cố sự kiện, cũng có thể thuộc về tâm trạng bên trong của nhân vật kịch.
Giáo viên có thể linh hoạt hướng dẫn học sinh phân tích. Về cơ bản, ý nghĩa của việc phân tích này là để tìm hiểu sâu hơn đặc điểm của nhân vật hoặc diễn biến của xung đột.
Phân tích ngôn ngữ kịch: Ngôn ngữ kịch có thể là những chỉ dẫn sân khấu, cũng có thể là lời thoại của nhân vật, chú ý đến lời thoại là đối thoại, độc thoại để tìm hiểu nhân vật.
Kết hợp với quá trình phân tích, giáo viên hướng dẫn học sinh tổng hợp lại để đưa ra những kết luận về giá trị tư tưởng, nghệ thuật của vở kịch.
Lưu ý: Tùy từng văn bản kịch, giáo viên nên lựa chọn vấn đề nổi trội nhất, thành công nghệ thuật đặc sắc nhất, có ảnh hưởng đến việc hiểu tư tưởng của vở kịch để hướng dẫn học sinh khai thác. Các yếu tố trên không tách biệt mà đan cài, thể hiện lẫn nhau.