Kịch văn học vẫn thu hút khán giả

GD&TĐ - Bên cạnh các sản phẩm kịch mang nặng yếu tố giải trí với các đề tài kinh dị, đồng tính, hài..., thì dòng kịch chuyển thể từ văn học vẫn chảy bền bỉ, thu hút lượng khán giả nhất định. 

Kịch văn học vẫn thu hút khán giả

Cùng với những vở kịch mang hơi thở hiện đại thì sân khấu kịch vẫn góp mặt những tác phẩm kịch kinh điển mang giá trị nghệ thuật độc đáo.

Mới mẻ với từng thân phận đời

Kịch văn học không xa lạ với những người yêu ánh đèn sân khấu. Một thời những vở kịch như Tôi và chúng ta, Mùa Hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt… của tác giả Lưu Quang Vũ luôn được đón nhận trong sự hào hứng và yêu mến của người xem. Cho đến nay, những vở kịch văn học vẫn trở thành món ăn tinh thần của không ít khán giả Việt.

Nói đến việc tích cực dàn dựng các tác phẩm kịch thuộc thể loại văn học thì TPHCM là một trong những cái nôi dành nhiều ưu ái cho loại hình nghệ thuật này. Theo NSND Hồng Vân, sân khấu Kịch Phú Nhuận là địa chỉ đã khai thác dòng kịch văn học hiện thực phê phán cách đây 10 năm, với những vở: Số đỏ, Giông tố, Chí Phèo, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Chị Dậu...

Ban đầu những người thực hiện chương trình dự định chỉ đưa vào học đường hoặc bán vé cho sinh viên, học sinh. Nhưng rồi sức hút từ số đông khán giả đã khiến sân khấu này quyết định xây dựng dòng kịch văn học thành thương hiệu của mình. Sức hấp dẫn từ hình thức, âm nhạc, bối cảnh và sức nóng của câu chuyện mang thông điệp cuộc sống mà các nghệ sĩ mang đến đã lôi cuốn sự quan tâm của khán giả.

Cho đến nay, bên cạnh những kịch bản văn học quen thuộc, các sân khấu kịch tại TPHCM như Phú Nhuận, Thái Thanh, Tuổi Ngọc đã mạnh dạn chuyển tải những câu chuyện mang tư duy thời đại mới. Ngoài truyện của Nguyễn Ngọc Tư, mùa hè này, nhiều sàn diễn dựng kịch bản chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Theo kế hoạch, CLB Kịch Tuổi Ngọc đã diễn định kỳ hai buổi một tuần các vở kịch Thằng quỷ nhỏ. Cô gái đến từ hôm qua và Bong bóng lên trời. Quả nhiên với những tác phẩm mà đông đảo bạn đọc yêu mến khi được chuyển tải lên sân khấu kịch đã thu hút khá đông người xem.

Những tác phẩm kinh điển được dàn dựng công phu

Tại sân khấu ngoài Bắc, một loạt vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch nói Quân đội cũng đã ra mắt công chúng, khuấy động và “hâm nóng” sự nguội lạnh của sân khấu trước những khó khăn chung của loại hình này.

Mở đầu là vở kịch Hamlet của đại văn hào Shakespeare được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn hồi đầu năm nay sau nhiều tháng dàn dựng. Ngay sau đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã cho ra mắt vở Quan Thanh tra của đại văn hào Gogol. Gần đây nhất, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã giới thiệu vở diễn Và nơi đây bình minh yên tĩnh dựa trên tác phẩm văn học kinh điển về chiến tranh của nước Nga. Trước đó, nhiều nhà hát đã dựng các tác phẩm nổi tiếng một thời của tác giả Lưu Quang Vũ quay trở lại sân khấu.

Điều đáng nói là, những vở kịch kinh điển nói trên được cho là “kén khán giả” vậy mà lại thu hút một bộ phận không nhỏ người xem, trong đó có khá đông bạn trẻ. Nhà viết kịch Chu Thơm, một cây bút lão luyện của sân khấu Việt Nam hiện nay với không ít vở diễn ăn khách, cho biết: Ở nhiều nước trên thế giới, kịch kinh điển vẫn sống và sống khỏe là đằng khác. Nhiều tác phẩm ra đời cách đây hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm vẫn được họ dựng đi, dựng lại.

“Hiện tượng đông người xem ở các vở diễn kinh điển vừa qua trên sân khấu nước ta cũng cho thấy đó không phải là một kiểu “học đòi”. Các đạo diễn và diễn viên Việt Nam đã làm sống lại những vở kịch kinh điển không chỉ bởi nó mẫu mực về kết cấu lớp lang, cốt truyện, phong cách, thủ pháp nghệ thuật mà trên hết chính là ở những giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc mang đậm tính thời sự trong cuộc sống hôm nay” – Nhà viết kịch Chu Thơm nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ