Phim ngoại thắng lớn trên sân khách
Ngày 13/8, thống kê trên trang Box Office Vietnam cho thấy, phim hoạt hình “Thám tử lừng danh Conan: Ngôi sao 5 cánh một triệu đô” đã đạt 102 tỷ đồng sau 10 ngày khởi chiếu; phim hành động hài hước “Deadpool & Wolverine” đạt gần 84 tỷ đồng; “Kẻ trộm mặt trăng 4” đã vượt mốc trăm tỷ và tiến tới doanh thu 137 tỷ đồng.
Với doanh thu 102 tỷ đồng, phần phim Conan thứ 27 chính thức vượt doanh thu của “Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen” (95 tỷ đồng) tại thị trường Việt Nam. Trước đó, một bom tấn hoạt hình khác cũng của Nhật Bản là “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu” ra rạp vào tháng 5/2024, đạt doanh thu hơn 147 tỷ đồng.
Trong thời điểm mùa Hè sắp kết thúc, phim hoạt hình nội địa dành cho thiếu nhi vẫn không có tên trong danh sách công chiếu. Trong khi đó, phim ngoại không chỉ đổ bộ mà còn độc chiếm các rạp trên toàn quốc và đem về doanh thu lớn. Đến bộ phim được coi là vô danh tiểu tốt - “Những mảnh ghép cảm xúc 2” cũng đạt 88 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là phim hoạt hình chiếu rạp mùa Hè “Kẻ trộm mặt trăng 4” được dự báo không mấy lạc quan từ giới phê bình và bị xếp vào loại “cà chua thối”, thì khán giả thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn yêu thích và cho phim số điểm 90%. Phim ra mắt ở Việt Nam vào ngày 5/7, cùng với 51 thị trường quốc tế.
Bất chấp các dự đoán tiêu cực, chỉ sau 2 tuần ra rạp, tổng doanh thu toàn cầu của “Kẻ trộm mặt trăng 4” đã đạt 440 triệu USD. Tại Việt Nam, bộ phim nhanh chóng cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng, dẫn đầu bảng tổng sắp phòng vé Việt trong nhiều ngày liên tiếp.
Quá trình phát triển phần phim thứ tư của “Kẻ trộm mặt trăng” được bắt đầu vào tháng 9/2017 và chính thức được xác nhận vào tháng 2/2022 với Renaud, Delage và White là những cái tên được xem xét lựa chọn vào các vị trí lần lượt là đạo diễn, đồng đạo diễn và biên kịch. Bộ phim chính thức bước vào giai đoạn sản xuất vào tháng 6/2022. Dàn diễn viên lồng tiếng chính của phim cũng được công bố vào tháng 1/2024 với Hoffman và Daurio với vai trò đồng sản xuất và đồng biên kịch.
Và chỉ sau 1 tháng ra rạp toàn cầu, “Kẻ trộm mặt trăng 4” chính thức ghi tên trong danh sách phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thế giới mọi thời đại, đứng số 42 trong tổng số 55 phim.
Đáng chú ý, “Những mảnh ghép cảm xúc 2” là bộ phim hoạt hình máy tính thuộc thể loại phim dành cho tuổi mới lớn của Hoa Kỳ ra mắt năm 2024 - là phần hậu truyện của bộ phim “Những mảnh ghép cảm xúc” (2015) đang đứng đầu thế giới với tổng doanh thu 1,524 tỷ USD. Phần 2 của bộ phim được công chiếu chính thức tại Việt Nam vào ngày 14/6 và nhanh chóng đạt doanh thu 88 tỷ đồng.
Trong không khí trầm lắng của phim Việt chiếu rạp, trong danh sách phim ngoại sẽ chiếu rạp Việt trong tháng 8 tiếp tục với những cái tên đình đám, được dự đoán sẽ đem về doanh thu trăm tỷ đồng, như: “Harold và cây bút phép thuật” (phiêu lưu, hài, giả tưởng – Mỹ), “Ba đêm kinh hoàng” (kinh dị, bí ẩn – Hàn Quốc), “Vụ bê bối ánh trăng” (hài, lãng mạn – Mỹ)…
Phim Việt phát triển không ổn định
Qua bảng thống kê doanh số, giới phê bình điện ảnh cho rằng phim Việt vẫn chưa tạo được sức hút cho người xem, ngoại trừ 3 bộ phim điện ảnh tạo được “cơn sốt” phòng vé là: “Mai”, “Gặp lại chị bầu”, “Lật mặt 7: Một điều ước”.
Theo số liệu từ Box Office Vietnam, đến nay doanh thu các dự án điện ảnh nội địa đã tăng trưởng vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, hai tác phẩm của hai đạo diễn Lý Hải (“Lật mặt 7: Một điều ước”) và Trấn Thành (“Mai”) đã chiếm tới hơn 2/3 tổng thị phần. Điều này chứng tỏ nếu phim Việt có chất lượng tốt vẫn có thể đột phá. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở 3 bộ phim nêu trên thì phim Việt khó khởi sắc, và sẽ nhanh chóng để lại khoảng trống cho phim ngoại.
Khởi chiếu từ ngày 28/6, phim “Mùa Hè đẹp nhất” do Vũ Khắc Tuận làm đạo diễn và quy tụ loạt diễn viên có tiếng, như: NSND Việt Anh, NSND Thanh Nam, NSƯT Công Ninh… nhưng đến nay tổng doanh thu mới chỉ dừng lại ở con số trên 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, một bộ phim được coi là thất bại của Hollywood ra rạp cùng thời điểm – “Vùng đất câm lặng: Ngày một” đã đạt 22 tỷ đồng, gấp khoảng 5 lần doanh thu “Mùa Hè đẹp nhất”. Điều này phần nào là một dẫn chứng, chứng tỏ khán giả không hứng thú lắm với phim Việt.
Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng, sự chênh lệch về khoảng cách giữa các phim đã cho thấy chất lượng phim ở thị trường điện ảnh Việt Nam đang không ổn định và phát triển không bền vững. Một số bộ phim tuy có đề tài, có chút mới lạ, góp phần đa dạng hóa thị trường phim Việt nhưng câu chuyện và cách khai thác không đủ hấp dẫn hút khán giả.
Tuy có nhiều nhận định không mấy tích cực, song giới phê bình cũng khuyên khán giả nuôi tình yêu với phim Việt. Đại diện Box Office Vietnam cũng nhận định rằng, nửa đầu năm 2024 thị trường điện ảnh nội địa có phần ảm đạm nhưng từ nay đến cuối năm, có thể kỳ vọng có sự bứt phá và thay đổi lớn khi xuất hiện một loạt phim kinh dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết dân gian Việt Nam.
Trong đó phải kể đến 4 bộ phim được đầu tư công phu, như: “Ma da” (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, dự kiến khởi chiếu vào 16/8), “Làm giàu với ma” (đạo diễn Nguyễn Nhật Trung, dự kiến khởi chiếu vào 30/8), “Cám” (đạo diễn Trần Hữu Tấn, dự kiến khởi chiếu vào tháng 9), “Linh Miêu” (đạo diễn Lưu Thành Luân, dự kiến khởi chiếu vào 22/11).
Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, những tranh cãi xung quanh chất lượng phim Việt cho thấy định kiến của khán giả về phim nội địa vẫn rất nặng nề. Tất nhiên ở khía cạnh tích cực, những tranh cãi cũng cho thấy khán giả Việt rất quan tâm đến phim Việt. Kinh nghiệm cho thấy, một bộ phim chỉ thành công và tạo được đột phá doanh thu khi được khán giả tranh cãi và bàn tán. Các nhà làm phim hãy dũng cảm đối mặt, và quan trọng là làm được những bộ phim cho ra phim, khai thác được những chất liệu của đời sống và văn hóa Việt Nam ở những địa tầng sâu sắc và mới mẻ.