Vắng khách do kém đầu tư
Thực tế cho thấy, Việt Nam cần có từ 100 - 200 rạp chiếu phim, nhưng hiện tại mới chỉ có khoảng 40 rạp đủ tiêu chuẩn, phần lớn các rạp này đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Ước tình đến năm 2020, doanh thu của toàn bộ thị trường chiếu phim trong nước sẽ lên hơn 100 triệu USD. Chính vì vậy, mà nhiều tập đoàn nước ngoài đã có động thái tích cực bước vào thị trường Việt Nam. Vậy nhưng đối lập với điều này, những rạp chiếu phim của Nhà nước lại khá vắng vẻ, thưa thớt số lượng khán giả. Nguyên nhân cũng bởi có lẽ chất lượng rạp chiếu chưa đáp ứng được thị hiếu người xem.
Tại Hà Nội, các rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý trước đây một thời luôn cháy vé đã trở thành quá khứ. Các rạp Đại Nam, Bạch Mai, Kinh Đô, Mê Linh... một thời được nhiều người dân Thủ đô biết đến đã không còn hoặc chuyển đổi công năng sử dụng. Rạp Bạch Mai - rạp phim với 300 chỗ ngồi gắn liền với ký ức sinh viên các trường đại học như Bách khoa, Kinh tế Quốc dân đã trôi vào dĩ vãng nhiều năm nay.
Thay vào đó là một cửa hàng đồ ăn nhanh khá đông khách. Hay rạp Lý Nam Đế (trực thuộc điện ảnh quân đội), những tác phẩm phim truyện, phim tài liệu được trình chiếu ở đây đa phần là do ngành điện ảnh quân đội sản xuất. Tuy nhiên, hiện trạng của rạp chiếu phim này giờ đây cũng trở nên xập xệ, xuống cấp. Và vừa qua, thông báo về việc đóng cửa của rạp chiếu phim Dân chủ cũng đã khiến nhiều khán giả cảm thấy nuối tiếc…
Có thể nhận thấy, rất ít các rạp chiếu phim thuộc sở hữu của Nhà nước có sự thay đổi để theo kịp cuộc đua với tư nhân. Không có nguồn phim hay, không được đầu tư, hệ thống rạp chiếu cũng như lựa chọn các hình thức quảng cáo đã lỗi thời khiến các rạp phim Nhà nước hầu như tê liệt. Đây là những nguyên nhân khiến phim Việt Nam bị đẩy ra khỏi rạp sau vài buổi chiếu; Phim tài liệu, hoạt hình không được đưa vào chương trình chiếu dù đã có quy định về vấn đề này.
Chiến lược kết hợp với vốn đầu tư
Trong khi nhiều rạp phim núp quốc doanh bị thua ngay trên sân nhà, thì các nhà đầu tư ngoại đã kịp bước vào thống lĩnh thị trường này. Đầu tiên phải kể tới Tập đoàn CJ-CGV của Hàn Quốc. Năm 2011, tập đoàn này đã bỏ ra 73,6 triệu USD mua lại Megastar, chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam và đổi tên thành CGV. Ông Dong Won Kwak, Giám đốc chiến lược toàn cầu của CJ-CGV cho biết, hiện thị trường Việt Nam tăng trưởng 20 - 25% một năm, đóng góp 30% doanh thu cho CJ-CGV.
Việt Nam được xếp vào nhóm các thị trường phát triển tốt của tập đoàn là Mỹ, Trung Quốc và Indonesia. Theo họ đến năm 2017 sẽ mở tổng cộng 30 cụm rạp CGV trên toàn quốc. Chỉ riêng năm 2014, CJ-CGV đã mở 6 - 7 cụm rạp. Hiện CGV chiếm thị phần lớn, với 13 cụm rạp chiếu phim, tại 7 tỉnh, thành. Đứng ngay sau CGV là Lotte Cinema. Hiện Lotte có 7 cụm rạp ở TP HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội, với tổng số 33 phòng chiếu. Được biết trong 5 năm tới Lotte Cinema sẽ mở 70 cụm rạp.
Dù không đua về số lượng rạp chiếu tham vọng như các nhà đầu tư ngoại, các chủ rạp phim trong nước cũng đang âm thầm phát triển. Galaxy Cinema dự định sẽ tăng thêm 8 cụm rạp và trước mắt, họ đã mở thêm 2 rạp. Còn Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), vốn chuyên về sản xuất phim, nhưng cũng đã ra mắt hai cụm rạp chiếu phim tại TP HCM là BHD Star Cineplex 3/2 (tại Siêu thị Maximark trên đường 3/2) và BHD Star Cineplex Icon 68 (tại Bitexco Financial Tower.) Như vậy đã đến lúc các đơn vị chiếu phim tư nhân của Việt Nam cần có sự hoạch định về chiến lược và đầu tư bài bản thì mới có thể trụ vững và phát triển ngay trên sân nhà.