Bữa tiệc nhiều màu sắc
Thời điểm này, trong những phim Việt ra rạp trong mùa hè này có thể kể đến bộ phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” khởi chiếu từ ngày 5/5. Trong suất chiếu sớm đặc biệt dành cho báo chí, bộ phim nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Kịch bản phim dù khá chậm rãi nhưng chính tiết tấu ấy đã tạo nên nhiều điểm nhấn.
Hai bộ phim cũng ra rạp trong tháng 5 là “Vú em tập sự” (đạo diễn Bùi Văn Hải) và “Anh em siêu quậy” của đạo diễn Lê Bảo Trung.
Trung thành với thể loại phim dành cho thiếu nhi, đây là năm thứ 3 liên tiếp, đạo diễn Lê Bảo Trung giới thiệu đến công chúng tác phẩm mới. Sau “Bảo mẫu siêu quậy” 1 và 2, lần này “Anh em siêu quậy” là một câu chuyện xung quanh 2 bé Ton và Tin. Cả hai anh em đã trải qua hành trình dở khóc dở cười để đến được với thông cảm, yêu thương. Ngoài “sao nhí” đình đám là Ku Tin, phim còn có sự tham gia của Hà Việt Dũng, Trịnh Kim Chi, Hiếu Hiền, Phạm Văn Mách... Phim ra mắt khán giả đúng dịp Quốc tế thiếu nhi.
Bộ phim “Em chưa 18” hứa hẹn kỳ vọng sẽ là bộ phim có doanh thu tốt nhất từ đầu năm 2017 cũng ra mắt dịp hè này. “Cô gái đến từ hôm qua” - bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dự kiến sẽ ra rạp vào ngày 21/7 năm nay.
Ở mảng phim ngoại, “Cướp biển vùng Caribbean: Salazar báo thù” với kinh phí lên đến 320 triệu USD, xứng đáng là một trong những bom tấn đáng chú ý trong tháng 5.
“Chiếm đoạt ký ức”, phim của tỷ phú giàu nhất châu Á Vương Kiện Lâm với kinh phí sản xuất 20 triệu USD, nóng hổi những vấn đề thời sự hiện tại cũng ra rạp trong dịp hè.
Tương tự là bộ phim “Vòng xoay ảo” với sự tham gia của tài tử Tom Hanks và Emma Watson lại đưa khán giả vào thực tế thời đại kỹ thuật số, nơi dữ liệu cá nhân được thu thập, sàng lọc và sử dụng để giám sát lại con người. “Quái vật không gian”, bộ phim mang màu sắc kinh dị, đánh dấu sự trở lại của đạo diễn lừng danh Ridley Scott, làm khán giả háo hức... khiến bữa tiệc điện ảnh có thêm nhiều gia vị lạ.
Phim Việt vẫn khó cạnh tranh với phim ngoại
Điểm mặt các phim Việt sẽ ra rạp trong mùa hè này cho thấy, các bộ phim không bó hẹp trong một đề tài nào. Có đủ cả hành động, hài, tâm lý, tình cảm, thần thoại... thế nhưng nếu phát hành phim ra rạp, cạnh tranh với phim “bom tấn” của nước ngoài, phim Việt khó đạt doanh thu như kỳ vọng.
Với “bức tranh” này, rõ ràng phim Việt vẫn luôn ở thế yếu so với phim nhập ngoại không chỉ về số lượng mà còn bị áp đảo tuyệt đối về độ hùng hậu, ăn khách cũng như doanh thu. Những bộ phim ngoại đã từng hút hồn khán giả sẽ lại tiếp tục “làm mưa làm gió” tại phòng chiếu và khán giả Việt vẫn tiếp tục bỏ tiền túi mua vé. Thua về số lượng và phải “chiến đấu” trong cuộc cạnh tranh bất cân sức với phim ngoại nhập là câu chuyện dài từ bao năm nay.
Ở những nước có công nghệ làm phim phát triển, thì dịp hè là thời cơ để các nhà sản xuất đẩy mạnh việc làm phim để chiếu vào dịp này, vì đây là cơ hội để thu hút khán giả đến rạp rất thuận lợi. Trong khi đó, ở ta vẫn chưa có thói quen, chưa hình thành một quy trình làm phim chuyên nghiệp trong những thời điểm quan trọng, hút khách như dịp hè. Do vậy, nhiều năm nay, thị phần phim hè ở ta, gần như “nhường” hẳn cho phim ngoại, để họ tự do và thản nhiên hốt bạc.