Sau thành công của bộ phim nghệ thuật kinh phí thấp Dịu dàng, đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt và người bạn thân, nhà sản xuất Trần Dần, mạnh dạn thử sức ở dòng phim thương mại. Và Nữ đại gia là kết quả từ cuộc thử nghiệm mạo hiểm ấy.
Bộ phim mở đầu bằng mối quan hệ khúc mắc giữa nữ đại gia Kim Anh (Nguyễn Cao Kỳ Duyên) và cô con gái là Nhi (Trương Quỳnh Anh). Do công việc kinh doanh bận rộn nên Kim Anh không có thời gian chăm sóc con gái. Điều này khiến Nhi buồn phiền và lao vào nhiều cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè.
Nữ đại gia từng phải chỉnh sửa theo ý kiến của Cục Điện ảnh trước khi ra rạp, đồng thời gây tò mò cho công chúng bởi sự xuất hiện của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong vai chính. Ảnh: CGV |
Nửa đầu bộ phim được dành để nói về mâu thuẫn gay gắt giữa hai mẹ con. Nhưng tới nửa sau, tác phẩm lại tập trung vào cuộc báo thù đẫm máu của một đại gia khác: ông Cường “hộp đêm” (Huỳnh Anh Tuấn) - đối tác làm ăn và hôn phu năm xưa của Kim Anh, với chính người phụ nữ từng đầu gối tay ấp cùng mình.
Ở Nữ đại gia, Lê Văn Kiệt vẫn giữ được những thế mạnh của bản thân là sử dụng ánh sáng và âm thanh rất tinh tế.Bộ phim có những cảnh rượt đuổi trong hẻm được thể hiện qua tông màu đỏ cam đẹp mắt, cũng như âm nhạc dồn dập, nghẹt thở, mà không quá lên gân.
Những ưu điểm đó tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho các pha hành động. Tuy không quá dày đặc, chúng được xây dựng tương đối chỉn chu. Dài nhất là trường đoạn tại nhà máy bột mì với không khí căng thẳng, phấn khích.
Một chút bất ngờ dành cho khán giả khi ngôi sao bộ môn wushu năm xưa Thúy Hiền sắm vai khách mời, có màn đối đầu trực tiếp với chị gái Thúy Vinh trong vai công an, trên màn ảnh. Ảnh: CGV |
Người trong nghề từng đánh giá đạo diễn Lê Văn Kiệt rất cao ở sự nhạy cảm khi chọn lựa diễn viên và khả năng chỉ đạo. Thông thường, anh không đặt nặng yếu tố ngôi sao hay đòi hỏi họ sở hữu khả năng diễn thật cứng cáp.
Diễn xuất của Ngô Thanh Vân, Trần Bảo Sơn không thể gọi là hay nhưng lại là sự lựa chọn chính xác cho Ngôi nhà trong hẻm. Ở Dịu dàng, cả Dustin Nguyễn và “viên ngọc thô” Thanh Tú đều có cơ hội thăng hoa.
Bước sang Nữ đại gia, nữ ca sĩ Trương Quỳnh Anh rất hợp vai một cô gái có tính cách trẻ con, thiếu tình thương từ mẹ. Hai diễn viên Quang Sự và Huỳnh Anh Tuấn lần lượt thể hiện hai kiểu giang hồ khác nhau: một điềm tĩnh, phát ngôn hơi tỉnh quá mức; một cộc cằn, thô lỗ và láu cá. Trong phim có hai trường đoạn đòi nợ thể hiện rõ tính cách của hai nhân vật nam.
Nguyễn Cao Kỳ Duyên chủ yếu diễn xuất bằng bản năng. Bản thân nhân vật của chị trên những trang kịch bản vẫn còn chứa đựng nhiều sự phi lý. Ảnh: CGV |
Lần đầu thử sức ở lĩnh vực điện ảnh, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên không hề bị ngợp. Khí chất sang trọng, kiểu ăn nói khéo léo đến từ nữ đại gia quyền lực và kiểu rụt rè, sợ hãi của người phụ nữ bán tàu hũ năm xưa đều được chị cố gắng truyền tải.
Song, Nguyễn Cao Kỳ Duyên vẫn mới chỉ thể hiện nhân vật bằng lối diễn xuất bản năng, và nếu muốn thực sự lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh như chia sẻ mới đây, nữ MC hải ngoại hẳn cần phải trui rèn nhiều hơn nữa.
Sở hữu phần kỹ thuật mạnh, nhưng Nữ đại gia lại rất yếu ở khâu kịch bản và cắt dựng. Tác phẩm bị “chia” thành hai phần rõ rệt, thiếu đi sự kết nối cần thiết. Còn tổng thể nội dung thì cũ kỹ, vụn vặt và thiếu logic. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Kim Anh và con gái Nhi căng thẳng, nhưng lại tẻ nhạt và quá sáo mòn, có thể tìm thấy trong nhiều bộ phim truyền hình.
Người ta khó lòng có thể chấp nhận hành trình thay đổi chóng mặt của Kim Anh, từ một phụ nữ nghèo bán tàu hũ trở thành nữ đại gia quyền uy. Cũng thật khó để giải thích hành động liều lĩnh mang tính bước ngoặt của cô đối với ông Cường khi hai người còn là vợ chồng.
Có thể nói Nữ đại gia là sự tổng hợp của nhiều chi tiết cũ kỹ, nhưng lại không được đạo diễn Lê Văn Kiệt sắp đặt và nhào nặn khéo léo. Ảnh: CGV |
Tình huống để nhân vật Hành của Quang Sự xuất hiện và tham gia vào câu chuyện khá hài hước và ấn tượng. Nhưng nó tương đối lạc lõng so với mạch phim chung. Trường đoạn bày kế đám tang giả sau đó của nhóm nhân vật khá công phu, nhưng thực tế lại rất nghèo nàn và thiếu kịch tính.
Ngay cả ở màn hành động kéo dài tại nhà máy bột mì, khán giả không khỏi bật cười khi thấy đám xã hội đen cứ thế đứng yên một chỗ, bị động nã súng liên hồi vào một góc trước khi bị công an tóm gọn. Chi tiết có thể khiến người ta liên tưởng đến những tác phẩm hành động hạng B của điện ảnh Hong Kong hồi thập niên 1990.
Một điểm hạn chế lớn nữa của Nữ đại gia là phần lời thoại không thuần Việt mà lại khá “Tây”. Đôi lúc, người xem cảm giác như chúng được viết ra bằng tiếng Anh, rồi dịch lại sang tiếng Việt. Đây là điều khá khó hiểu, bởi mới một năm trước, Dịu dàng của Lê Văn Kiệt không hề mắc lỗi này.
Không ít câu thoại trong phim như được viết ra bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Việt. Ảnh: CGV |
Nếu nhìn vào loạt sản phẩm, kể cả bị cấm lẫn đường hoàng ra rạp, của Lê Văn Kiệt, có thể thấy anh là một người luôn thích làm mới mình, không thỏa hiệp với những điều đơn giản. Song, ở Nữ đại gia, có lẽ anh đã phức tạp hóa vấn đề quá mức, cố gắng nhào nặn nên câu chuyện từ quá nhiều chi tiết quen thuộc.
Nếu như kịch bản phim gọn gàng, đơn giản và kết nối hơn, bộ phim hẳn sẽ không mắc phải những lỗi nghiêm trọng về mặt nội dung. Có thể hiểu nhà làm phim muốn khắc họa những giá trị thật giả lẫn lộn trong xã hội hiện đại trọng hình thức, nhưng chính cách kể chuyện lửng lơ gây ra sự nhàm chán và sốt ruột cho người xem.
Dám từ bỏ phong cách làm phim nghệ thuật như ở Dịu dàng để theo đuổi một dự án thương mại như Nữ đại gia là nước đi liều lĩnh và đáng ủng hộ của Lê Văn Kiệt. Nhưng hy vọng anh sẽ bình tâm đón nhận những lời ý kiến khen chê để có thể rút kinh nghiệm cho lần làm phim tiếp theo.
Nữ đại gia khởi chiếu trên toàn quốc từ 20/5.