Thẩm phán tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio thách thức tính hợp pháp về tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc với diện tích lên đến 3.5 triệu dặm vuông, chiếm 90% diện tích Biển Đông, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin.
Bản đồ cổ thời nhà Tống của Trung Quốc khẳng định biên giới chỉ đến đảo Hải Nam |
Trong khi đó, tình hình trên Biển Đông vài tuần qua đang trong tình trạng căng thẳng khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cùng với đó là huy động nhiều máy bay, tàu chiến đâm va vào tàu Việt Nam, tờ báo Hongkong cho biết.
Thẩm phán Carpio sử dụng 72 tấm bản đồ cổ, trong đó có 15 tấm do Trung Quốc xuất bản, tất cả đều chỉ rõ biên giới phía Nam của Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, những tấm bản đồ này đã được lưu hành từ lâu, trong đó có cả tấm ở Thư viện Quốc hội Mỹ.
"Tất cả bản đồ đều cho thấy biên giới cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nơi trước đây đã từng được gọi là Zhuya, sau đó là Qiongya và Qiongzhou", Carpio nói.
Bản đồ xuất bản năm 1929 tại Bắc Kinh khẳng định biên giới phía Nam của Trung Quốc kéo dài đến đảo Hải Nam |
Thẩm phán Philippines nói thêm: "Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc để xem lại lịch sử bằng cách thẩm tra bản đồ cổ".
Tuy nhiên, tất cả những tấm bản đồ này, bao gồm cả do phương Tây, Trung Quốc hay Philippines xuất bản đều chỉ ra rằng biên giới phía Nam của Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam.
Trong buổi thuyết trình về các bản đồ, thẩm phán Philippines cho rằng điều quan trọng là cho thế giới thấy được "đường lưỡi bò" là một "gian lận lịch sử khổng lồ".
Trung Quốc đã từng lớn tiếng tuyên bố về việc chủ quyền vượt xa đảo Hải Nam, thế nhưng những tấm bản đồ từ thời Tống, Minh hay thậm chí gần đây như đời Thanh vẫn chỉ rõ rằng Hải Nam là điểm cuối cùng ở cực Nam nước này.
Điều này đã phủ nhận hoàn toàn các cơ sở lịch sử mà Trung Quốc từng sử dụng để vẽ ra cái gọi là "đường lưỡi bò" chiếm gần trọn Biển Đông. Học thuyết mà không một học giả Trung Quốc nào có thể giải thích cho thế giới, gần đây nhất là trong Đối thoại Shangri-La 13 ở Singapore.