Phiên tòa“khủng” ở Thổ Nhĩ Kỳ

GD&TĐ - Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc 300 phiên tòa xét xử những bị cáo được cho là thủ phạm gây nên các sự kiện đau thương nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn gần đây: Cuộc đảo chính năm 2016. Cuộc đảo chính khiến 251 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và làm bị thương hơn 2.000 người.

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc tội liên quan đến cuộc đảo chính bị đưa đến tòa án bên trong nhà tù Sincan ở Ankara
Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc tội liên quan đến cuộc đảo chính bị đưa đến tòa án bên trong nhà tù Sincan ở Ankara

Khơi sâu chia rẽ chính trị

Cho đến nay, gần 3.000 nhân viên an ninh và dân thường đã bị kết án. Các phán quyết được chính phủ và những người ủng hộ hoan nghênh. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã mở rộng sự chia rẽ chính trị ở đất nước này và làm sâu sắc thêm ý thức chống đối của các đối thủ. Họ cho rằng, các phiên tòa xét xử đại chúng là biểu tượng của một hệ thống công lý ngày càng độc đoán dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Hơn hai năm sau nỗ lực đảo chính, chính phủ của ông Erdogan tiếp tục truy tố những người bị nghi ngờ liên minh với giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người bị cáo buộc tổ chức âm mưu đảo chính.

Chính phủ của ông Erdogan đã thanh trừng hàng chục ngàn người thuộc ngành tư pháp, cũng như cảnh sát và quân đội.

Các vụ bắt giữ diễn ra hầu như hàng tuần. Theo tin bán chính thức từ hãng tin Anadolu, đầu tuần này, nhà chức trách tiếp tục ban hành lệnh bắt giữ hơn 1.100 người ở 75 tỉnh vì bị nghi ngờ có dính dáng đến mạng lưới của Gulen. Ông Gulen, hiện sinh sống ở Mỹ, cũng đã bị truy tố trong các vụ án nổi bật nhất xét xử hàng ngũ những kẻ âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng bằng chứng tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra không đủ sức nặng để dẫn độ ông ta.

Những phiên tòa “chạy show”

Các phiên tòa hoàng loạt này khiến căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ càng tăng cao. Những người ủng hộ chính phủ tỏ ra tức giận khi một bị cáo nào đó được tuyên bố vô tội. Trong phòng xét xử, các sĩ quan cảnh sát và cai ngục xếp hàng chẳng khác nào tại các đấu trường thể thao. Các thẩm phán xét xử khá qua loa, một số người quan sát cho rằng còn lâu mới được gọi là công bằng.

Trong một phòng xử trọng án tại một nhà tù an ninh cao ở ngoại ô Istanbul vào tháng 12, các gia đình nạn nhân đã gõ bàn ầm ầm để bày tỏ sự ủng hộ khi một thẩm phán tuyên bố 48 sĩ quan quân đội phạm tội phản quốc và giết người.

Các phiên tòa hàng loạt có một lịch sử lâu dài ở Thổ Nhĩ Kỳ và thường được sử dụng sau các cuộc đảo chính. Các nhà phê bình cho rằng, các phiên tòa đại chúng thể hiện sự trừng phạt tập thể này đã đi quá xa, khi ông Erdogan đã ra lệnh quét sạch những người đang làm nhiệm vụ đêm đó tại các căn cứ và đơn vị trên khắp đất nước.

Thẩm phán Orhan Gazi Ertekin, đồng Chủ tịch Hiệp hội Tư pháp Dân chủ, gọi các phiên tòa xét xử hàng loạt này là “tòa án kangaroo”, vì việc xét xử tại các tòa án này không tập trung vào các hành vi của những người bị xét xử mà nhằm vào các lựa chọn chính trị của họ. “Việc xét xử hàng loạt này nhằm biến niềm tin chính trị thành niềm tin hình sự, để làm nhục, cả về thể chất và tinh thần, để tiêu diệt những người khác biệt về xu hướng chính trị. Kết quả xét xử đã được xác định trước, thẩm phán được phân công và di chuyển từ phiên tòa này sang phiên tòa khác”, ông nói.

Thà xử nhầm còn hơn... bỏ sót?

Hai phiên tòa quan trọng gần đây nhất đã đưa ra kết luận buộc tội năm nhà lãnh đạo dân sự và 38 chỉ huy lực lượng vũ trang cao cấp bị coi là thành viên của hội đồng lãnh đạo của âm mưu đảo chính. Bên cạnh những người được coi là những kẻ cầm đầu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng vây bắt hàng chục ngàn quân nhân, từ các chỉ huy hàng đầu và các thành viên lực lượng đặc biệt đến các sĩ quan và cảnh sát trong các căn cứ quân sự và các đơn vị tham gia vào các cuộc đụng độ trên khắp đất nước vào đêm âm mưu đảo chính.

Các luật sư bào chữa đã rất bức xúc về việc bắt bớ và kết tội những người lính cấp thấp, vì trong nhiều trường hợp, họ chỉ hoạt động theo lệnh, hoặc được nói rằng họ đang bảo vệ nhà nước khỏi một cuộc tấn công khủng bố. Về phần mình, các bị cáo và luật sư của họ cáo buộc chính phủ vi phạm các quyền của họ, bao gồm ngược đãi và tra tấn trong những ngày đầu tiên sau cuộc đảo chính, và sử dụng bằng chứng sai lệch và buộc tội.

Bản thân các thẩm phán cũng phải chịu áp lực. Khoảng 3.000 thẩm phán đã bị thanh trừng trong cuộc đàn áp kể từ khi âm mưu đảo chính. Một số thẩm phán đã bị thay thế giữa chừng phiên tòa - bản thân điều này cũng là một sự vi phạm - bởi các thẩm phán thiếu kinh nghiệm, vừa tốt nghiệp trường luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ