Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến đa chiều về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

GD&TĐ - Ngày 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng chưa cần thiết ban hành Luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2009/NĐ-CP.

Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến đa chiều về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ban hành Luật có thể gây bất cập

Về sự cần thiết ban hành Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định 56 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể... nên hiệu lực thực thi chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, đồng ý về sự cần thiết, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hồ sơ trình dự án Luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định. “Thời gian trình quá gấp, một số nội dung trong Báo cáo thuyết minh, Báo cáo đánh giá tác động lại không tương thích, nhất quán với nội dung của dự thảo Luật”, ông Thanh nêu ý kiến.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, trong Thường trực Ủy ban có ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện.

Nhiều bộ ngành chưa có sự đồng thuận

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, trong dự thảo Luật đang có một số quy định xung đột với các luật khác, như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng liên quan đến Luật các tổ chức tín dụng; về tài sản bảo đảm liên quan đến Bộ luật Dân sự; bố trí ngân sách hỗ trợ liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước; giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Ông cũng lưu ý cơ quan soạn thảo về nhiều nội dung khác như miễn, giảm tiền thuê đất liên quan đến Luật Đất đai; hỗ trợ tham gia mua sắm công liên quan đến Luật Đấu thầu; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường liên quan đến Luật Thương mại…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, UBTVQH không có thành viên nào là không muốn hỗ trợ DNNVV, nhưng việc sửa Luật phải thận trọng, trong khi đó Bộ Tư pháp và nhiều bộ ngành khác vẫn chưa có sự đồng thuận cao. Nếu các chính sách hiện hành được triển khai đầy đủ thì có cần làm Luật không hay chỉ cần sửa đổi, hoàn thiện Nghị định (như quan điểm của Bộ Tư pháp).

Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói thẳng lý do là các bộ ngành liên quan hết sức thiếu trách nhiệm.

Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích thêm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người tham dự, nay cử đồng chí này, mai cử đồng chí khác. Tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết người đại diện các bộ chỉ mang tính soi xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không, chứ không mang tư tưởng: Đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, và việc cần thiết phải xây dựng chính sách để khu vực doanh nghiệp này phát triển, sẽ là động lực cho sự phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ