Phi hành gia mang… hàng lậu lên Mặt trăng

GD&TĐ - Nhiều món đồ vật đã được theo phi hành gia bay đến Mặt trăng và trở về Trái đất trong các phi vụ của NASA. Từ những vật bình thường, sau một chuyến du hành vũ trụ, chúng trở nên có giá trị với những nhà sưu tập. Một số phi hành gia cũng nhân dịp này tranh thủ mang thêm những vật kỷ niệm ngoài danh mục cho phép để kiếm thêm tiền khi trở về.

Ba phi hành gia của sứ mệnh Apollo 15 bị đình chỉ bay vì buôn lậu đồ lưu niệm lên Mặt trăng
Ba phi hành gia của sứ mệnh Apollo 15 bị đình chỉ bay vì buôn lậu đồ lưu niệm lên Mặt trăng

Từ đồ kỷ niệm cá nhân

Trong nhiều sứ mệnh Apollo và những chuyến bay trước đó vào vũ trụ, các phi hành gia được phép mang theo một số vật dụng cá nhân như là những món đồ kỷ niệm. Trước chuyến bay, các phi hành gia phải đệ trình danh sách các món mà họ dự trù mang theo để được sự chuẩn thuận của NASA. Nếu đề xuất trên không bất hợp lý và những món đồ vật không có kích cỡ, cũng như trọng lượng quá mức quy định, chúng đều được phép bay theo phi hành đoàn. 

Trong 14 chuyến bay của sứ mệnh Apollo, phi hành đoàn mang theo đủ thứ, từ ghim Snoopy, các mảnh của chiếc máy bay mà anh em Wright đã bay, thanh kiếm năng lượng hư cấu đặc trưng trong vũ trụ Star Wars, đến một nhúm bụi từ Sân vận động Yankee và các hạt giống. Phi hành gia John Young, người mới qua đời vào tháng Giêng năm nay, đã gây ra một scandal nhỏ, khi ông lén mang theo một miếng bánh sandwich thịt bò dày lên chuyến bay Gemini 3 vào năm 1965 và sau đó đã ăn nó khi con tàu đang bay trong vũ trụ. 

Sau khi vụ việc bại lộ, cơ quan NASA tỏ ra không hài lòng và một số thành viên của Quốc hội đã làm ầm lên về việc làm thế nào mà trò lừa của Young qua được một cuộc kiểm tra theo kế hoạch một cách gắt gao về thực phẩm không gian trong suốt chuyến bay.

Sáu năm sau đó, một scandal lớn hơn gây ầm ĩ tại NASA, không chỉ làm hoen ố hình ảnh của tập thể phi hành gia, nó còn khiến cho 3 phi hành gia phải trả giá đắt khi buộc phải từ bỏ công việc của họ.

Từ khi bắt đầu các sứ mệnh Apollo, những món đồ lưu niệm của phi hành gia trở thành một trong những món mà những nhà sưu tập bỏ công tìm kiếm nhiều nhất. Một thói quen phổ biến là ký tên lên những phong bì, hay bao thư, được thiết kế đặc biệt và xóa các mẫu này trong ngày phi thuyền được phóng lên. Đây là “những bao thư ngày đầu tiên” nổi tiếng và chúng mang về cho các phi hành gia rất nhiều tiền bạc tại những phiên đấu giá.

Và nếu một “bao thư ngày đầu tiên” bay đến Mặt trăng và trở về, chúng có giá trị hơn rất nhiều. Hiện nay, một bao thư theo chuyến bay Apollo 11 có giá đến 50.000 USD tại một cuộc đấu giá. Một số tiền thực sự lớn! Do đó, khi Horst Eiermann, một người Mỹ gốc Đức sống ở Stuttgart, tiếp cận phi hành đoàn Apollo 15 với một kế hoạch thu mua vật kỷ niệm, 3 phi hành gia, David Scott, Alfred Worden và James Irwin, đã bị lôi cuốn vào cuộc trao đổi, mua bán này.     

 

Đến hàng lậu

Các phi hành gia của sứ mệnh Apollo được trả lương 17 ngàn USD/năm, tương đương khoảng 100 ngàn USD hiện nay. Nếu so với sự học tập thực chất cùng kinh nghiệm của họ nhiều năm, cũng như nguy cơ khủng khiếp mà họ phải nhận lãnh trong khi thực hiện sứ mệnh không gian, thì thu nhập trên quả là ít ỏi. 

Không có khoản bồi thường đặc biệt hay phụ cấp thêm cho sự rủi ro trong quá trình bay thực hiện nhiệm vụ. Phi hành gia Buzz Aldrin chỉ nhận 33 USD cho công tác phí du hành, khi bay đến Mặt trăng và trở lại. Không có công ty bảo hiểm nào sẵn sàng đứng ra và đánh cược với một ít tiền thu được để đền bù cho sức khỏe và mạng sống của các phi hành gia. Do đó, các phi hành gia phải dùng đến phương sách bán các dòng chữ viết tay và vật lưu niệm không gian để có thêm thu nhập lo cho tương lai gia đình và việc học hành của con cái họ. 

Horst Eiermann đã thuyết phục 3 phi hành gia mang theo lên phi thuyền Apollo 15 thêm 100 bao thư có dán tem, ngoài 250 chiếc được chấp thuận để bay lên Mặt trăng. Ngoài ra, họ cũng lén mang theo một số bao thư nữa. Với vụ “buôn lậu này”, mỗi phi hành gia được Eirmann trả 7000 USD. Họ được Eirmann cam kết rằng, những con tem sẽ không được bán cho đến khi chương trình Apollo chấm dứt.

Vào ngày 26/7/1971, ba phi hành gia và tổng cộng 632 bao thư được phóng lên không gian từ Trung tâm không gian Kennedy. Trong các phi vụ, những vật dụng cá nhân được yêu cầu giữ lại mô đun chỉ huy, nhưng các phi hành gia đã làm trái các nguyên tắc và mang hàng lậu đến con tàu đáp xuống Mặt trăng, Falcon. 

Lúc trở về, 100 phong thư được giao cho Eirmann, vốn hoạt động với vai trò trung gian giữa các phi hành gia và nhà buôn tem Đức, Hermann Sieger, người đã nghĩ ra ý tưởng này “buôn lậu” này. Sieger bán ngay lập những bao thư đặc biệt trên và thu lãi 150 ngàn USD.

Chẳng mấy chốc vụ “buôn lậu” trên bị đổ bể, dư luận lại dậy sóng. Mặc dù đây chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng các nhà quan sát phản đối mạnh mẽ và hình ảnh các người anh hùng không gian bị hoen ố. Nhiều người chỉ trích họ thật ra là những kẻ cơ hội và trục lợi (Irwin, sau đó trong các tường trình đã nói rằng ông làm thế chỉ vì muốn có đủ tiền cho con đang theo học đại học).

Vụ bê bối này đã khiến Quốc hội ra lệnh cho NASA phải hành động. Và những biện pháp kỷ luật nặng nề chưa từng có với các phi hành gia được đưa ra, đồng thời những bao thư mang lậu lên Mặt trăng của phi hành gia bị tịch thu

Đầu tiên, Đại tá Worden được ra lệnh rời khỏi văn phòng của ông ở NASA, nhưng sau đó, ông được tái tuyển dụng trong vai trò không phi hành. Đại tá James Irwin cũng phải rời NASA. Ông thành lập một nhóm Phúc âm và dành 20 năm làm “Đại sứ thiện chí cho Hoàng tử Hòa Bình”, nhấn mạnh rằng “Chúa Jesus đi bộ trên mặt đất quan trọng hơn con người đi bộ trên Mặt trăng”.

Đại tá Scott, người luôn mong mỏi tham gia sứ mệnh kết hợp Apollo- Soyuz với Liên xô đã bị buộc rời khỏi vai trò phi hành gia và chuyển sang làm tư vấn kỹ thuật. Sau đó, ông trở thành giàm đốc trung tâm nghiên cứu bay Drysen của NASA và nghỉ hưu vào năm 1977. Sau phi vụ “buôn lậu” trên, khỏi phải nói thì mọi người cũng đều biết không ai trong số 3 phi hành gia này được cho bay trở lại.

* * *

Một vài năm sau đó, 1983, NASA và Cục Bưu chính của Mỹ đã cùng hợp tác đưa 260.000 bao thư dán tem lưu niệm lên tàu con thoi Challenger STS-8, hy vọng sẽ kiếm được tiền trong sứ mệnh này. Nhận thấy những gì họ làm với mục đích kiếm tiền, không khác gì mình trước đây, phi hành đoàn của Apollo 15 kiện đòi lại những bao thư của họ đã bị tịch thu. Theo tự truyện của Worden, NASA đã giải quyết êm xuôi vụ này và những bao thư trên đã được trả về cho chủ. Vào năm 2011, một trong những bao thư trên được bán đấu giá đến 15.000 USD.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.