Phép vua vẫn thua lệ làng!

GD&TĐ - Hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ, đó là nguyên tắc để hướng con người tới sự tiến bộ và phát triển.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ban hành danh mục 14 hủ tục, phong tục không còn phù hợp, và đề nghị các đơn vị liên quan vận động nhân dân từng bước xóa bỏ.

6 hủ tục được xóa bỏ gồm: Thuốc thư, kiêng cữ cái chết xấu, cúng ốm đau và khấn cầu thần linh, kiêng cữ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới - bên trong kho thóc, hôn nhân cận huyết và tảo hôn.

8 phong tục không còn phù hợp gồm: Củi hứa hôn, nợ miệng, ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma - cưới hỏi - lễ hội, thả rông gia súc - gia cầm, tưởng nhớ và cho người chết ăn, để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma, sinh đẻ tại nhà, ngủ rẫy.

Những phong tục này, phần lớn được cho là gây lãng phí, tốn kém và ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế. Đồng thời gây mất vệ sinh môi trường, mất đoàn kết trong cộng đồng và ảnh hưởng không tốt đến việc học tập cũng như giao tiếp của con em.

Hội nghị lần thứ 5 - BCH Trung ương Đảng khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, đã xác định 5 quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa. Trong đó quan điểm thứ 5 chỉ rõ vấn đề liên quan đến các hủ tục.

Từ đó đến nay, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trở thành một cuộc chiến với mong muốn xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, tiến bộ. Tuy nhiên, đó là một cuộc chiến đầy khó khăn, bởi những định kiến luôn âm ỉ sau thời gian dài đã sâu rễ bền gốc.

Chẳng cần phải nói đến những vùng xa xôi, vùng dân tộc thiểu số. Ở ngay Hà Nội, hay những vùng lân cận vẫn còn khá nhiều hủ tục – mà chính người địa phương, nhiều lúc không thể nhận ra.

Ở một làng ngoại thành Hà Nội, cho đến nay vẫn duy trì thói lệ ăn uống kéo dài trước ngày đám cưới. Kể từ khi tổ chức lễ ăn hỏi, gia chủ ngày nào cũng phải 2 bữa đón tiếp họ hàng, làng xóm. Thậm chí, một tháng nữa mới tổ chức đám cưới – thì một tháng đó, cứ ngày 2 lần tưng bừng ăn uống.

Còn hủ tục con gái đi lấy chồng phải “cống” cho làng nghìn gạch hay vạn gạch thì vẫn tồn tại ở nhiều tỉnh thành. Lại có nơi, con gái lấy chồng không được nhận tiền mừng của làng, có nơi phải trả “nợ miệng”.

Người ngoài dễ nhận ra các hủ tục, nhưng người trong làng lại khó có thể nhận diện. Hoặc họ biết đó là hủ tục nhưng không dám bỏ, không dám đấu tranh vì “lệ làng, phép nước”.

Lại có nhiều thứ khó phân định là phong tục hay hủ tục. Như ở một số làng ở vùng Hà – Nam – Ninh, lệ ăn cỗ lấy phần gây khá nhiều phiền nhiễu. Chính quyền nhiều xã thừa nhận, lệ ấy “tuy là một nét văn hóa nhưng không còn phù hợp”.

Thậm chí, cứ cho rằng, ăn cỗ lấy phần là hủ tục thì cũng khó xóa bỏ. Từng có một số địa phương áp dụng điều nọ, luật kia nhưng không thành. Phổ biến gia chủ hãy tiết kiệm để không thừa cỗ lấy phần, đó là điều không thể.

Phú quý sinh lễ nghĩa, ăn ở như bát nước đầy, người sao ta vậy, nhìn nhau mà sống – không thêm món thêm bát thì thôi, ai lại đi bớt cỗ?!

Cho nên để xóa bỏ hủ tục, phải tuyên truyền làm sao để người dân nhận ra thói lệ ấy là hủ tục chứ không phải phong tục, là lạc hậu chứ không phải văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ