Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, đang mang thai ở tuần 36, sản phụ Lưu Thị D. (32 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) xuất hiện tình trạng đau tức vùng trên ức, có cơn đau và khó thở.
Sản phụ đi khám phát hiện khối u trong gan kích thước lên tới 18cm, thể sarcoma tổ chức liên kết của gan - một thể hiếm gặp ở Việt Nam và thế giới khiến tình trạng của hai mẹ con rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Được biết đây là lần mang thai thứ 3 của sản phụ D. Hai lần mang thai trước chị đều khỏe mạnh bình thường và mẹ tròn con vuông.
Trong thai kỳ lần này, đến tháng thứ 5 chị thấy xuất hiện tình trạng đau tức vùng trên ức, khó thở, vùng ngực to lên bất thường. Đây là thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng, Bệnh viện Bạch Mai lúc đó đang bị phong tỏa, cách ly nên chị không thể ra Hà Nội khám được.
Đến tuần thai thứ 36, tình trạng đau tức ngực của chị tăng nặng, chị D. tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương để đăng ký sinh và đã được các bác sĩ chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai – nơi có nhiều chuyên khoa phối hợp để cứu sống hai mẹ con.
Bác sỹ Trần Quế Sơn - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân D. nhập viện trong tình trạng đau bụng và đau tức vùng ngực trên sản phụ có thai 37 tuần. Qua thăm khám phát hiện bệnh nhân có khối u kích thước 18cm trên gan trái. Khối u kích thước rất lớn gây nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi bất cứ lúc nào.
Nhận định tình trạng cấp cứu đối với cả 2 mẹ con, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc, Bệnh viện đã tổ chức một cuộc hội chẩn toàn viện bao gồm các chuyên gia đầu ngành do GS.TS Nguyễn Gia Bình chủ trì. Các ý kiến được đưa ra thảo luận và một quyết định nhanh chóng được đưa ra đó là đình chỉ thai nghén để cứu con và mẹ.
Cùng với đó, các bước phẫu thuật cũng được sắp xếp theo trình tự như sau: Khoa Sản sẽ mổ đẻ để lấy thai nhi, cứu con. Trong quá trình mổ, nếu có diễn biến bất thường như tử cung co hồi không tốt thì sẽ sẵn sàng để cắt tử cung. Sau đó Khoa Ngoại sẽ tiến hành mổ cùng để cắt gan trái có khối u.
Ngày 19/6 cuộc mổ đã diễn ra đúng theo dự kiến với sự tham gia phối hợp của nhiều chuyên khoa liên quan: Nhi, Huyết học truyền máu, Gây mê hồi sức, Sản và Ngoại khoa… để sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi.
Sau 30 phút, kíp mổ của khoa Sản đã lấy ra bé gái nặng 3kg, đồng thời tiến hành cắt tử cung cho bệnh nhân do tử cung co hồi không tốt. Sau khi Khoa Sản đã hoàn thành nhiệm vụ của mình thì kíp mổ của Khoa Ngoại đã tiến hành cắt gan trái theo phương pháp Tôn Thất Tùng.
Hơn 2h đồng hồ, kíp mổ đã tiến hành xong ca phẫu thuật, cắt khối u nặng 3kg trên gan trái.
Một khối u rất to và phải cắt một lượng gan tương đối lớn lại nằm trên cơ thể một thai phụ mang thai ở tuần thứ 37 nên các bác sĩ đã phải rất thận trọng từ kíp mổ sản đến kíp mổ ngoại để tránh những biến chứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Ca mổ đã thành công nhờ sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa liên quan. Sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, em bé đã được chuyển xuống chăm sóc tại Khoa Nhi. Cháu bé ăn ngủ tốt và các chỉ số đều bình thường nên được về nhà vào ngày 26/6.
Những ngày sau hậu phẫu, sức khỏe của chị D. hồi phục tốt và được ra viện vào ngày 30/6. Tuy nhiên chị D. cần được tiếp tục theo dõi để có phác đồ điều trị tốt nhất theo diễn tiến của bệnh.
Đánh giá về ca bệnh này, TS.BS Trần Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai chia sẻ: Trong những trường hợp như thế này, việc tiên lượng, đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân, khẩn trương đưa ra phương án xứ lý kịp thời, hợp lý là điều kiện tiên quyết để cứu cả mẹ và con.
Ca mổ thành công, cả mẹ và thai nhi đều được cứu sống trong tình huống hết sức khó khăn này là kết quả của sự phối kết hợp hiệu quả, đầy trách nhiệm của các thầy thuốc khoa Tiêu hóa, khoa Sản, khoa Ngoại, khoa Nhi, khoa Gây mê hồi sức, Trung tâm Huyết học truyền máu - Bệnh viện Bạch Mai.