Phát triển tiếng Việt cho học sinh DTTS tại bản vùng cao

GD&TĐ - Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại của các thầy cô, vốn hiểu biết và ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh người DTTS tại bản Tèn ngày càng được nâng cao.

Phát triển tiếng Việt cho học sinh DTTS tại bản vùng cao Thái Nguyên.
Phát triển tiếng Việt cho học sinh DTTS tại bản vùng cao Thái Nguyên.

Rụt rè, thiếu tự tin trong giao tiếp

Bản Tèn nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 30km về phía Bắc. Đây là xóm vùng cao xa nhất của huyện Đồng Hỷ với tỷ lệ 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Vượt qua một quãng đường với những con dốc dựng đứng, những khúc cua ngoằn ngoèo, Bản Tèn hiện ra trước mắt với những nếp nhà gỗ thấp thoáng xa xa dựa lưng bên những sườn núi đá tai mèo.

Do địa hình chia cắt nên ngoài điểm trường trung tâm, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng phải thành lập thêm 2 điểm trường lẻ là Bản Tèn và Liên Phương. Trường có 389 học sinh chủ yếu là con em đồng bào Mông. Ít tiếp cận với thế giới bên ngoài, các em chủ yếu theo cha mẹ lên rừng nhặt củi, hái măng, làm rẫy nên hầu hết các em đều thiếu tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là vốn ngôn ngữ tiếng Việt còn hạn chế.

Cô giáo Đỗ Thị Tình, giáo viên mầm non tại điểm trường bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Chỉ khoảng 5 năm trước, Bản Tèn vẫn được mệnh danh là xóm “3 không” (không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại).

Đến nay, dù đã được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, kết nối với điện lưới Quốc gia... nhưng đời sống của người dân Bản Tèn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, chất lượng học tập của các em học sinh ở đây còn chưa được đảm bảo, vốn tiếng Việt của nhiều em vẫn còn rất hạn chế. “Nhiều em sau khi lên lớp còn đọc chậm và phát âm sai, nhiều học sinh thiếu tự tin trong giao tiếp và trong học tập. Các em thường sử dụng tiếng Mông để giao tiếp nên quá trình dạy học gặp không ít khó khăn.

Ở trường thì như vậy, còn ở gia đình, việc tạo thói quen và bồi dưỡng tiếng Việt của các em hầu như không có bởi đồng bào Mông có tập quán sống riêng lẻ ở trên những ngọn núi cao. Nhiều gia đình không nói được tiếng Việt hoặc ít sử dụng tiếng Việt nên việc sinh hoạt giao tiếp trong gia đình hầu như bằng tiếng mẹ đẻ. Chính vì vậy, khi trẻ tới trường vẫn theo thói quen nên chưa nói và hiểu được tiếng Việt.

Ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh tại điểm trường bản Tèn, xã Văn Lăng ngày càng được cải thiện.

Ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh tại điểm trường bản Tèn, xã Văn Lăng ngày càng được cải thiện.

Linh hoạt trong dạy học

Từ thực tế trên, thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh, các thầy cô giáo tại điểm trường bản Tèn đã linh hoạt, sử dụng đa dạng các phương pháp học tập nhằm góp phần tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh tại nơi đây.

Theo cô Tình, đối với học sinh người DTTS, đặc biệt là các em học sinh người dân tộc Mông đang sinh sống tại bản Tèn, để các em có thể tập làm quen và sử dụng vốn tiếng Việt một cách thường xuyên, liên tục thì các thầy cô phải dành rất nhiều thời gian, kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết với các em. Bên cạnh đó, cần sự kết hợp giữa việc sử dụng ngôn ngữ với trực quan, cử chỉ.

Những năm gần đây, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tại trường đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Các em học sinh được tiếp cận với nhiều tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị hiện đại như tivi, máy chiếu…Thông qua những tiết học như vậy, các em đều cảm thấy rất thu hút, hứng thú.

Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng trường TH số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Xác định tiếng Việt có vai trò quan trọng, thời gian qua, nhà trường đã chỉ đạo việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tổ chức tăng số buổi trong tuần với tất cả các khối lớp để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với thầy cô, bạn bè.

Nhà trường yêu cầu giáo viên tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đội ngũ giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy ngôn ngữ thứ 2, tăng thời gian luyện nói cho học sinh”.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng phân công tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chịu trách nhiệm việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tại khối lớp mình. Mỗi giáo viên có kế hoạch cụ thể về chương trình soạn giảng, giờ dạy học, đảm bảo nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Đồng thời, khuyến khích giáo viên tự học tiếng dân tộc để phục vụ công tác giảng dạy, tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các đồ dùng có sẵn tại địa phương, đồ dùng được cấp phát hợp lý, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, làm cho học sinh nhận thấy học tiếng Việt là có ích và thật sự cần thiết, khơi dậy niềm đam mê học tập của các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ