Phát triển thương hiệu làng nghề

GD&TĐ - “Trăm năm trong cõi người ta. Giầy da bền đẹp phải là Phú Yên” - Ở một vùng đất cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Nam, người ta dạy con trẻ bằng lời ca tiếng hát ấy như một cách để duy trì làng nghề, gìn giữ truyền thống quê hương.  

Phát triển thương hiệu làng nghề

Mỗi năm, 6 triệu đôi giầy

So với những làng nghề truyền thống và lâu đời khác ở miền Bắc, tuổi nghề của Phú Yên (thuộc huyện Phú Xuyên - Hà Nội)?không quá lớn, “chỉ” vào khoảng 100 năm, trong khi nhiều nơi khác dễ đến cả ngàn năm. Song người dân nơi đây tự hào rằng, Phú Yên là làng nghề giầy da duy nhất ở Việt Nam có tới… hai ông tổ nghề. Một là cụ Nguyễn Lương Nghé, hai là cụ Nguyễn Lương Mạc. Cụ Nghé có công truyền nghề, còn cụ Mạc lại có công phát triển làng thành một trung tâm giầy da lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ.

Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Phú Yên đã xây dựng được một hợp tác xã da giầy, chuyên nhận làm hàng cho Tổng Công ty Giầy da xuất khẩu. Nhưng sau khi tổng công ty này giải thể, nhân công có nghề trong hợp tác xã phải tỏa đi các tỉnh phía Bắc để nhận làm thuê, kiếm sống.

Hiện nay, sau nhiều biến cố thăng trầm, Phú Yên có khoảng 200 hộ là các đầu mối sản xuất và cung ứng giầy da. Các hộ này thu hút khoảng 1.200 thợ giỏi từ khắp các thôn trong xã. Mỗi năm, Phú Yên tiêu thụ ra thị trường trên 6 triệu đôi giầy. Mỗi đôi giầy sẽ tiêu tốn hết 2 bìa da, thì mỗi năm Phú Yên đã “ăn” đến 12 triệu bìa da, một con số kỷ lục mà cho đến nay chưa làng giầy da nào vượt qua.

Chất lượng tốt, giá thành rẻ

Sở dĩ giầy da Phú Yên được ưa chuộng bởi nhiều ưu điểm. Đầu tiên là giá thành sản phẩm. Với mức giá trung bình chỉ từ 160.000 - 200.000 đồng một đôi giầy nam, các loại giầy nữ, dép da nam tầm 80.000 - 100.000 đồng, sức cạnh tranh của giầy da Phú Yên trên thị trường thực sự mạnh mẽ. Sở dĩ mức giá trung bình thấp như vậy, theo tiết lộ của người làm nghề, là bởi nguồn nguyên liệu đầu vào rất rẻ, chi phí sản xuất được tối giản hóa.

Bên cạnh giá thành, mẫu mã sản phẩm của giầy da Phú Yên cũng có tính thẩm mỹ rất cao. Các nghệ nhân tuổi 80, 90 của làng - những học trò đầu tiên của hai ông tổ nghề, một là cụ Nguyễn Lương Nghé, hai là cụ Nguyễn Lương Mạc, hiện vẫn ngày ngày hướng dẫn, dạy dỗ và truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho lớp trẻ kế cận.

Nhờ vậy, những bí quyết làm nên chất lượng và mẫu mã đặc sắc của giầy Phú Yên gần 100 năm qua không bao giờ bị thất truyền. Mặt khác, người Phú Yên cũng rất nhanh nhạy trong khả năng bắt kịp xu thế thời trang, không để các loại mẫu mã trở nên lạc hậu.

Hơn tất cả, giầy da Phú Yên được đánh giá rất cao về chất lượng, vừa nhẹ lại vừa bền. Ở đây, thợ làm giầy phân chia cấp bậc rất rõ ràng gồm: Thợ mũi và thợ đế. Thợ mũi chịu trách nhiệm cắt gọt, tạo hoa văn cho da. Thợ đế gò da vào đế và hoàn thiện đôi giầy. Trong hai cấp bậc thợ đó thì thợ mũi là khó hơn cả. Đôi giầy đẹp hay xấu là do thẩm mỹ của thợ mũi mà ra. Còn về phần bền thì phải là thợ đế. Thợ đế có tỉ mỉ, chỉn chu thì những mũi khâu mới “ăn” chắc vào đế.

Bài toán thương hiệu

Hiện có một nghịch lý đang tồn tại ở Phú Yên nói riêng và ngành sản xuất da giầy nói chung. Đó là mặc dù các sản phẩm da giầy Phú Yên giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và hợp mốt, chất lượng bền song người Phú Yên lại phải bán sản phẩm của mình núp bóng các thương hiệu ngoại. Thêm nữa, thị trường tiêu thụ vẫn khá hạn hẹp, chủ yếu là địa bàn Hà Nội, trong khi tiềm năng hoàn toàn có thể mở rộng trên khắp cả nước.

Để giải quyết triệt để nghịch lý này, các cấp chính quyền địa phương kết hợp với các cơ quan liên ngành như Sở KH&CN Hà Nội, Phòng kinh tế huyện Ứng Hòa, Trung tâm Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm giầy da Phú Yên dưới dạng Nhãn hiệu tập thể.

Đến nay sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Những điều kiện này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế cho các sản phẩm, đưa giầy da Phú Yên đến với các thị trường tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của làng nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ