Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Nga

Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Nga

Cùng đi với đồng chí Tổng bí thư có các đồng chí: Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Hoàng Văn Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Cao Tiến Phiếm, Trợ lý Tổng bí thư; Bùi Đình Dĩnh, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga.

Là nước có diện tích lớn nhất thế giới, trải dài trên hai lục địa Âu-Á, Liên bang Nga đã trải qua những khó khăn của chuyển đổi trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ 20.

Từ sau năm 2001, nhờ sự tăng giá cao của các mặt hàng năng lượng xuất khẩu, tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng nội địa, kinh tế Liên bang Nga phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, trung bình 6-8%/năm. Nga trở thành một trong tám nền kinh tế lớn trên thế giới. Thu nhập thực tế của người dân đạt hơn 10.000 USD/năm.

Dầu khí là một trong những lĩnh v
Dầu khí là một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam - Nga. ảnh Internet

Từ cuối năm 2008 cho đến nay, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới và do giá dầu giảm mạnh, kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhờ các biện pháp chống khủng hoảng của Chính phủ, từ quý 3/2009, nền kinh tế Nga đã có những dấu hiệu phục hồi. GDP quý 1/2010 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tăng trưởng năm 2010 có thể đạt trên 4%.

Liên bang Nga đã khôi phục vị thế cường quốc với uy tín và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế. Nga chủ động, tích cực triển khai hoạt động đối ngoại trên phạm vi toàn cầu, trong đó coi trọng chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam.

Năm 2010 là năm hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga được thiết lập từ năm 2001 đã được thúc đẩy và đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị không ngừng được tăng cường và có độ tin cậy cao.

Các chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2008), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (2009), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (2009) và mới đây, Chủ tịch nước đã tham dự Lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng phátxít theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga là những mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào thực chất và hiệu quả, lâu dài và bền vững.

Hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại tăng trung bình 15%/năm. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt hơn 1,8 tỷ USD. Mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Khóa học thứ 13 Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật (tháng 10/2009) sẽ nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 3 tỷ USD năm 2010 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Liên bang Nga hiện có 67 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 755,1 triệu USD, đứng thứ 23 trên 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Đầu tư của Liên bang Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế tạo, chế biến. Tập đoàn dầu khí Việt Nam cùng với các tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga như Zarubezhneft, Gazprom đã ký nhiều thỏa thuận không những chỉ hợp tác ở Việt Nam mà còn mở rộng sang Nga và các nước thứ ba...

Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây đã tăng nhanh, từ chỗ chỉ có 12 dự án với số vốn khoảng 100 triệu USD, nay đã tăng lên 18 dự án với tổng số vốn đầu tư là 1,7 tỷ USD, gồm các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại và dịch vụ.

Hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch... cũng có những bước phát triển tích cực và còn nhiều tiềm năng. Hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước phát triển khả quan.

Liên bang Nga là một trong những nước đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho Việt Nam, cam kết hàng năm dành cho Việt Nam hơn 300 suất học bổng. Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước được duy trì thường xuyên, thông qua việc tổ chức "Những ngày văn hóa" đã làm tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc.

Từ ngày 1/1/2009, Việt Nam miễn thị thực cho khách du lịch Nga vào Việt Nam dưới 15 ngày. Việt Nam ngày càng là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Nga với hàng chục lượt khách mỗi năm.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nga hiện nay có khoảng 60.000-70.000 người. Cộng đồng có nhiều hoạt động đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Nhìn lại 10 năm gần đây, kết quả quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với mức độ phát triển của quan hệ chính trị, với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhằm tăng cường đối thoại chính trị cấp cao hai nước; tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó dành ưu tiên cao cho việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược với Liên bang Nga; tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền; củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng Cộng sản Liên bang Nga.

(Theo Vietnam+)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ