Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh - cần “bà đỡ”

GD&TĐ - Cho đến nay nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) không còn là mô hình xa lạ với giáo dục đại học Việt Nam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không chỉ xuất hiện ở đại học tốp đầu, có bề dày nghiên cứu khoa học (NCKH), nhóm NCM còn phát triển mạnh mẽ tại nhiều trường ngoài công lập, thậm chí cả ở một số ĐH mới thành lập. 

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020  đặc biệt chú trọng đầu tư trung tâm nghiên cứu xuất sắc mà các nhóm NCM được xem là hạt nhân. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, nghiên cứu liên ngành được thúc đẩy, vai trò của nhóm NCM, nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành ngày càng quan trọng. Cùng với việc đào tạo, trường đại học đã nỗ lực xây dựng nhóm NCM nhằm nâng cao chất lượng, hướng đến hội nhập, khẳng định vị thế của nhà trường. 

Nhờ đầu tư phát triển các nhóm NCM, trong những năm gần đây hoạt động NCKH trong nhiều trường đại học được thúc đẩy, phát triển ở tầm cao mới. Số lượng bài báo quốc tế tăng trưởng ngoạn mục. Nhiều trường ĐH Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới như Times Higher Education (THE), Academic Ranking for World
Universities (ARWU), Quacquarelli Symonds (QS)... Tuy vậy, nhìn vào sự phân bổ nhóm NCM trong thời gian qua cho thấy, sự phát triển vẫn chưa đồng đều giữa các đơn vị. Sự bứt phá về số lượng các nhóm NCM chủ yếu tập trung ở những cơ sở giáo dục thuộc hai đại học quốc gia, trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Số đông trường đại học còn lại khá thưa vắng nhóm NCM, nghiên cứu trọng điểm.

Thực tế cho thấy để phát triển nhóm NCM, cơ sở giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị thí nghiệm hiện đại. Các dự án tài trợ phòng thí nghiệm từ ngân sách Nhà nước không đủ đáp ứng, nếu không có tài trợ từ doanh nghiệp khoa học công nghệ lớn, nhà trường rất khó xoay xở. Nhóm NCM cần phải có trưởng nhóm là nhà khoa học uy tín, có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý điều hành. Các thành viên trong nhóm cũng phải xuất sắc trong nghiên cứu. Thế nhưng, nhiều trường không đủ nguồn lực tài chính để trả lương và chế độ đãi ngộ thu hút người tài, cũng như khuyến khích giảng viên đầu tư cho NCKH. 

Cùng với những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự, việc phát triển các nhóm NCM trong đại học cũng gặp những rào cản về cơ chế chính sách, hành lang pháp lí. Hiện những quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học đã bộc lộ những hạn chế và bất cập; một số văn bản nội dung không còn phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện hành cũng như chưa gắn với quá trình thực thi dẫn đến nội dung của hoạt động khoa học công nghệ chưa hiệu quả. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã nêu tại Khoản 2 Điều 42: Chính phủ quy định hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, thế nhưng hiện chưa có Nghị định quy định về hoạt động này trong nhà trường.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; chính sách đầu tư phát triển nhóm NCM trong cơ sở giáo dục đại học; chính sách NCKH dành cho giảng viên trẻ. Đồng thời, Bộ còn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, phục vụ phát triển giáo dục, khoa học công nghệ. Cùng với nỗ lực của nhà trường, những chuyển động về cơ chế, chính sách và hành lang pháp lí kịp thời là rất cần thiết, là “bà đỡ” để xây dựng những tập thể khoa học mạnh, có khả năng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn trong  trường đại học. Có như thế, giáo dục đại học Việt Nam mới có điều kiện nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế, tăng cường khả năng hội nhập, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ