(GD&TĐ)-Sáng nay (5/6), tại tỉnh Bắc Kạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bắc Kạn đã long trọng tổ chức Lễ mít-tinh quốc gia Ngày Môi trường thế giới và Năm quốc tế về Rừng 2011.
Toàn cảnh lễ mit-tinh |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Khôi Nguyên- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu rõ: Ngày Môi trường thế giới 5/6 đã thực sự trở thành sự kiện môi trường quốc tế quan trọng, với sự tham gia hưởng ứng của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực.
Năm nay, các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và Năm quốc tế về Rừng 2011 được phối hợp tổ chức tại Bắc Kạn. Nơi đây là nơi có nhiều di sản thiên nhiên và nguồn tài nguyên quan trọng cần được bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, Bắc Kạn là nơi có hồ Ba Bể vừa được UNESCO công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ ba của Việt Nam.
Tại buổi mít-ting, đại diện Bộ TN&MT đã trao cho lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Bể Giấy chứng nhận của UNESCO |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến đã long trọng trao Giấy chứng nhận của Ban thư ký công ước Ramsar- Công nhận Ba Bể là vùng đất ngập nước có giá trị quan trọng toàn cầu thứ 3 của Việt Nam cho ông Nông Thế Diễn- Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể.
Với chủ đề “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”, ngày Môi trường Thế giới năm nay đặc biệt quan tâm tới vị trí, vai trò của rừng đối với công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh báo về tình trạng phá rừng bừa bãi và nguy cơ suy thoái rừng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra.
Con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường từ thiên nhiên nếu ngay bây giờ không có những biện pháp hữu hiệu và kịp thời để bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phù hợp với xu thế chung của thế giới, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Bài và ảnh: Ngọc Khánh-Trí Dũng