Phát triển năng lực người học - không nhất thiết phải là giáo viên có kinh nghiệm!

Phát triển năng lực người học - không nhất thiết phải là giáo viên có kinh nghiệm!

Phát triển năng lực người học, xây dựng chương trình nhà trường là điều tất yếu phải làm để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Cái khó nhất là yếu tố đội ngũ để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Ngoài ra, cơ sở vật chất, các nguồn lực xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình nhà trường.

Cô Nguyễn Hương Giang – Phó Hiệu trưởng trường THCS Tây Tựu (HN) chia sẻ: “Theo tôi, việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề theo hướng nghiên cứu bài học về phát triển chương trình nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là rất cần thiết. Bởi, thông qua các chuyên đề, giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn sẽ họp để thống nhất nội dung xây dựng chuyên đề, phương pháp thực hiện và tổ chức thực hiện chuyên đề. Từ đó, qua những trải nghiệm sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và tìm ra phương pháp phù hợp để áp dụng đại trà vào thực tế các tiết dạy”.

Cô Giang cho biết thêm: “Ở trường THCS Tây Tựu, chúng tôi xây dựng các chuyên đề cấp trường ở tất cả các bộ môn. Ví dụ, đầu năm học, các tổ, nhóm sẽ đăng ký các tiết chuyên đề, sau đó, tổ nhóm chuyên môn bắt tay vào việc thảo luận, xây dựng và triển khai tiết chuyên đề. Sau khi thực hiện tiết chuyên đề, cả nhóm chuyên môn lại tiếp tục cùng góp ý, rút kinh nghiệm và triển khai áp dụng vào các tiết dạy đại trà”.

Là nhà quản lý, cô Giang cho rằng không nhất thiết phải là giáo viên có kinh nghiệm mới làm tốt công tác này. Thậm chí, cô đánh giá cao nhiều giáo viên trẻ năng động, tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, bắt kịp xu thế nên có óc sáng tạo tốt.

Cũng theo cô Giang, việc xây dựng nhà trường tốt cần xây dựng cả văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường. “Bản thân mỗi giáo viên khi đứng trong môi trường giáo dục đều đã được nắm bắt tất cả khó khăn trong nghề nên phải trang bị cho mình kiến thức về tâm lý và kỹ năng xử lý tình huống để bình tĩnh giải quyết sự việc. Thực tế, khi có áp lực, việc đánh học sinh sẽ phản tác dụng và đem lại tâm lý tiêu cực. Việc tìm phương pháp giáo dục nào phù hợp với từng đối tượng học sinh là việc nên làm đối với giáo viên.” – Cô Giang chia sẻ.

Để xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Phải gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo vì sáng tạo sẽ tạo nên môi trường hạnh phúc.

Cô Giang cho biết thêm, ở trường THCS Tây Tựu cũng tăng cường các hoạt động văn nghệ, TDTT, tăng cường các tiết học ngoại khóa, hoạt động nhóm cho học sinh để các em thêm vui vẻ, đoàn kết hơn.

Ví dụ, ngoài việc học kiến thức văn hóa, học sinh còn được phát triển toàn diện như: HS khối 6 được phổ cập bơi cơ bản, khiêu vũ thể thảo. HS khối 7 học bơi nâng cao, khiêu vũ thể thao. HS khối 8 được học cắm hoa nghệ thuật, học sinh khối 9 được giáo dục kĩ năng sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón an toàn, đúng cách để trồng và chăm sóc hoa. Như vậy, trong 4 năm học tại trường thì tất cả học sinh của nhà trường đều được học các kĩ năng cơ bản như trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ