Hội thảo quốc tế Phát triển năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa của Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên |
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thuý Hồng – Giám đốc Chương trình phát triển các trường Sư phạm (ETEP), Bộ GD&ĐT, đại diện Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, các trường ĐH, CĐ sư phạm, trường phổ thông…
Đặc biệt hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, giảng viên của các trường đại học đối tác của nhà trường từ các nước Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Hội thảo nhằm phát triển môi trường hợp tác giữa các trường đào tạo giáo viên trong và ngoài nước; Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và trong nước, thảo luận, đề xuất khung năng lực cốt lõi của người giáo viên và CBQL giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa;
Đề xuất đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên sư phạm giúp hình thành và phát triển năng lực mới cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phương thức tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo GS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng - đã nhấn mạnh đến 5 chủ đề mà các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận tại hội thảo.
Đó là: Năng lực giáo viên, cán bộ quản lý và năng lực giảng viên sư phạm trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực. Cuộc cách mạng CN 4.0 làm thay đổi chức năng giáo viên, giảng viên khác trước đây;
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo |
Người giáo viên phải là chuyên gia giáo dục chứ không phải chuyên gia truyền đạt kiến thức; giáo viên có năng lực làm việc trong khu vực quốc tế, do vậy: năng lực ngoại ngữ, tin học và phương pháp làm việc nhóm, kĩ năng làm việc độc lập và chia sẻ thông tin…là những kĩ năng rất quan trọng.
Vấn đề Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các trường sư phạm; chương trình cần tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế.
Về bồi dưỡng giảng viên sư phạm cốt cán và phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý. Đây là mô hình mới của chương trình ETEP đang triển khai có hiệu quả; dựa trên chuẩn xây dựng của hệ thống sư phạm ở Việt Nam, rất cần các ý kiến của các chuyên gia quốc tế.
Vấn đề xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý hiện nay. Sự đa dạng sẽ không có mô hình duy nhất, sẽ rất khác nhau giữa 4 năm và 2 năm trong đào tạo giáo viên;
Các trường sư phạm và các trường phổ thông sẽ ngày càng gắn kết hơn về nội dung chương trình, môi trường học tập và chuyển giao nguồn lực; các phương án bồi dưỡng giáo viên sẽ rất đa dạng nhưng dựa trên mô hình cơ bản là bồi dưỡng trực tuyến kết nối với tự học của giáo viên; nội dung bồi dưỡng sẽ dựa trên khung năng lực chuẩn nghề nghiệp…
Nhóm vấn đề đổi mới quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Quản lí dựa vào chuẩn; quản lí chương trình dựa vào chuẩn chương trình, chuẩn đầu ra và sát hạch nghề nghiệp;
Hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng được đo bằng năng lực thực tế trong hoạt động nghề nghiệp của họ; kết hợp bồi dưỡng nhu cầu cho từng giáo viên với việc định hướng của trường sư phạm; bồi dưỡng CBQL hướng đến năng lực quản trị nhà trường trong điều kiện thay đổi và chuyển giao quyền lực hành chính sang quyền lực chuyên môn.