Dù đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng ĐBSCL thời gian qua đã được cải thiện nhưng nhìn chung mức sống của đồng bào vẫn thấp thấp hơn so với mặt bằng chung. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào bằng nhiều giải pháp cụ thể. Vừa qua tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào DTTS vùng ĐBSCL” với kì vọng sẽ có thêm nhiều giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS.
Thực trạng đời sống đồng bào DTTS vùng ĐBSCL
Ông Nguyễn Hoàng Hành Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của DTTS vùng ĐBSCL được cải thiện nhưng so với các vùng trong cả nước thì vẫn cao hơn, cần được quan tâm đặc biệt hơn nữa.
Theo điều tra, năm 2019 nghèo và cận nghèo trên dưới 24%. Hiện nguồn nhân lực của vùng hiện vẫn là “vùng trũng”: Tỷ lệ lao động người DTTS thất nghiệp trong vùng cao nhất nước (2.2%). Chất lượng khám và điều trị bệnh còn hạn chế, hiện còn 22,7% số xã không có bác sĩ. Số lượng bác sĩ/số cán bộ nhân viên y tế của vùng còn rất thấp (chiếm 12,4%). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vùng dân tộc còn trên 10%.
Theo ông Lưu Văn Xem, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào DTTS đông nhất khu vực ĐBSCL. Tỷ lệ dân tộc thiểu chiếm 34,83% dân số, chủ yếu là dân tộc Khmer chiếm 28,93%, Hoa chiếm 5,88% và dân tộc khác chiếm 0,03%. Vùng DTTS luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm tỉnh đã hỗ trợ, triển khai các chương trình, dự án, cấp đất ở, xây nhà đại đoàn kết chuyển đổi nghề, đào tạo nghề 3 nghìn lao động là đồng bào DTTS…
Nhận định giải quyết việc làm là vấn đề quan trọng phát triển kinh tế vùng DTTS nên tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo trên 20 nghìn người mỗi năm, ngành, nghề đào tạo đa dạng, phong phú theo nhu cầu của thị trường lao động. Tính riêng năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được trên 9 nghìn người (trong đó có 1.079 người DTTS).
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và người dân tộc Khmer nói riêng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: trình độ của người lao động còn thấp, chủ yếu lao động phổ thông; lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27,75% năm 2020. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch việc làm chưa cao, thị trường lao động trong tỉnh chưa thu hút được nhiều lao động tham gia làm việc…
Đồng quan điểm về thực trạng phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, TS. Ngô Sô Phe, Trường Đại học Trà Vinh, nhận định hiện nay, số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL nói chung và nguồn nhân lực nữ người dân tộc Khmer nói riêng còn nhiều bất cập. Nguồn nhân lực nữ người dân tộc Khmer có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa cao và vẫn bị tụt hậu so với mặt bằng chung, vị trí và vai trò của lao động nữ dân tộc Khmer trong xã hội nói chung và trong chính quyền, đoàn thể nói riêng chưa tương xứng với quy mô của lao động nữ Khmer.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự phát triển của nguồn nhân lực nữ dân tộc Khmer còn thấp so với dân tộc đa số, cũng như chưa đáp ứng tốt được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của vị trí công việc. Chính vì vậy, làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực nữ dân tộc Khmer nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi nhằm nâng tầm vị trí của nguồn nhân lực nữ Khmer, cũng như giải quyết vấn đề đoàn kết giữa các thành phần dân tộc là thật sự cần thiết và cấp bách hiện nay.
Vùng ĐBSCL đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nên vấn đề hạn chế về nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng cần được ưu tiên giải quyết để đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Giải pháp nào nâng cao đời sống cho đồng bào
Xoay quanh các giải pháp phát biểu tại hội thảo ông Lưu Văn Xem, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ, thì cần giải quyết các vấn đề đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng và quan trọng hơn nữa là mở ra cơ hội để tạo sinh kế ổn định cho lực lượng lao động tại địa phương
Để xây dựng lực lượng lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ người lao động sau học nghề tìm được việc làm; gắn kết đào tạo nghề với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Theo bà Lê Thị Tố Quyên Khoa khoa học xã hội Đại học Cần Thơ, An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc đa dạng văn hóa đây là một lợi thế, theo đó An Giang thực hiện các giải pháp giảm nghèo thông qua du lịch với hộ DTTS. Thông qua việc đánh giá thực trạng giảm nghèo của du lịch đối với hộ DTTS, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tác động giảm nghèo thông qua phát triển du lịch, hướng tới giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, giảm đói nghèo, góp phần tham gia vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực tế cho thấy tham gia các hoạt động du lịch đời sống đồng bào được cải thiện đáng kể, du lịch góp phần cải thiện mức sống của hộ DTTS thông qua các hoạt động như bán hàng lưu niệm, cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú nên góp phần tạo công ăn việc làm cho hộ DTTS, cụ thể họ có thể tham gia làm hướng dẫn viên địa phương, lái đò nên có thêm nguồn thu nhập thay vì chỉ sinh kế chính làm nông thì ngày nay hộ DTTS có thêm nguồn thu phụ từ hoạt động du lịch giúp họ trang trải chi phí gia đình.