Hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất cả nước. Thời gian qua, triển khai Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh luôn xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng đạt 7,71% (cao nhất từ năm 2011 đến nay), các giá trị văn hóa được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được quan tâm và cải thiện, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, quan trọng như: Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư; Diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long - lần thứ V năm 2022.
Đến nay, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhiều đổi mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, mang lại đời sống ấm no cho người dân, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn có phương tiện nghe, nhìn tăng cao, đạt bình quân 98%;
Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,65%, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 59%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 95%; có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 63/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,75%, trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Vùng đồng bào Khmer thay da đổi thịt
Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS giảm đáng kể. Toàn tỉnh có 15.139 hộ nghèo, tỷ lệ 4,54% (trong đó, hộ nghèo DTTS là 7.464 hộ, chiếm 49,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh) và hộ cận nghèo là 26.095 hộ, tỷ lệ 7,82% (trong đó, hộ cận nghèo DTTS là 10.663 hộ, chiếm 40,9% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh). Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 3% so với năm 2021.
Ông Lâm Quy, một cán bộ hưu trí tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Trong những năm qua tỉnh Sóc Trăng có nhiều phát triển, các vùng đồng bào DTTS phát triển về mọi mặt, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh trật tự các mặt đều thực hiện tốt đối với các hộ đồng bào trong tỉnh. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, các phum sóc đều xây dựng xã nông thôn mới, trong đó có nhiều xã được xã nông thôn mới nâng cao. Chúng tôi rất phấn khởi.”
Theo Thượng tọa Lý Đức Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong giới sư sãi và đồng bào phật tử Khmer thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia Chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tham gia xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí cho đồng bào; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, xã hội học tập” được đông đảo sư sãi, phật tử, đồng bào hưởng ứng và ủng hộ
Nhiều chùa chiền đã được trùng tu lại khang trang hơn, phum sóc đã được thay đổi về mọi mặt, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường, trường học, trạm y tế, điện thắp sáng, nước sinh hoạt…làm cho cuộc sống của đồng bào, sư sãi Khmer từng bước được nâng lên rõ rệt, con em đồng bào đến trường ngày càng đông.
Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, thời gian tới việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội sẽ có nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Rất mong các sư sãi, đồng bào Khmer và cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý chí tự lực tự cường, tích cực tham gia có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc.