Phát triển kinh tế trên vùng đất khó

GD&TĐ - Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây cam anh Phạm Quang Trung đã quyết tâm chinh phục ước mơ khởi nghiệp bằng sản vật của vùng cao.

Phát triển kinh tế trên vùng đất khó.
Phát triển kinh tế trên vùng đất khó.

Khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng, năm 2020 anh Phạm Quang Trung (SN: 1995) xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bắt tay vào làm kinh tế, với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng vay từ chương trình khởi nghiệp dành cho thanh niên. Anh đã mạnh dạn đầu tư vào 2 ha cam Vinh trồng theo hướng hữu cơ và chăn nuôi lợn sinh sản.

Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp anh Trung cho biết: Trước khi trồng cam anh đã thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả, nhận thấy với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, trồng cam là lựa chọn tốt nhất. Theo anh Trung, cây cam Vinh là giống cây được bà con trồng phổ biến ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Với ưu điểm không kén đất, cây sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao, quả có vị ngọt, mùi thơm thanh nhẹ. Hiện nay, cam Vinh đang vào chính vụ, với giá thành từ 15.000 – 25.000 đồng/ kg, trung bình mỗi năm vườn cam đã cho gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng.

Để có nguồn kinh phí xoay vòng, anh đã kết hợp trồng cam với nuôi lợn sinh sản, với giá trung bình hiện nay khoảng 50.000 - 60.000 đồng/ 1kg, ngoài chi phí thu từ lợn giống anh sẽ có thêm nguồn phân bón để chăm sóc cho cam.

Anh Phạm Quang Trung (Ngoài cùng bên phải) kết hợp hiệu quả giữa mô hình trồng trọt và chăn nuôi.

Anh Phạm Quang Trung (Ngoài cùng bên phải) kết hợp hiệu quả giữa mô hình trồng trọt và chăn nuôi.

Trong quá trình chăn nuôi anh Trung đã trao đổi với người dân địa phương về cách chăm sóc và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tế. Đến nay, sau hai năm triển khai, nhờ tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ từ địa phương mô hình trồng cam vinh kết hợp chăn nuôi lợn sinh sản của anh bước đầu đã đem lại hiệu quả, cho thu nhập khá, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho gia đình.

Bí thư chi đoàn thôn tiên phong phát triển kinh tế

Không chỉ làm kinh tế giỏi với vai trò là một bí thư chi đoàn tiêu biểu, anh Trung cũng đồng hành cùng bà con, chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ ngày triển khai mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, anh Trung luôn tiên phong đi đầu trong thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp, cống hiến sức mình cho quê hương, hướng dẫn và tạo việc làm cho thanh niên địa phương.

Anh Nguyễn Văn Anh Thế, đoàn viên xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Từ nguồn vốn chính sách và dưới sự hướng dẫn của anh Trung nói riêng cũng như các đoàn viên thanh niên nói chung, gia đình tôi đã đầu tư nhân rộng diện tích trồng cam, cải tạo lại đất, xây dựng khu trang trại với diện tích gần 2 ha, doanh thu bình quân của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm. Nhờ sự giúp đỡ từ địa phương gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn”.

Anh Phạm Quang Trung (đứng thứ hai từ phải sang) luôn tiên phong trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Anh Phạm Quang Trung (đứng thứ hai từ phải sang) luôn tiên phong trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Anh Mạc Đồng Đại, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang chia sẻ: anh Phạm Quang Trung là một trong những tấm gương tiêu biểu của địa phương luôn tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ những cách làm hay, sáng tạo, mô hình trồng cam kết hợp chăn nuôi của anh Trung không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một số đoàn viên trong thôn.

Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, anh Phạm Quang Trung đã cho thấy sự quyết tâm trong mở hướng làm giàu từ sản vật đặc trưng của địa phương. Đây thực sự là yếu tố cần thiết vừa tạo động lực và khuyến khích thanh niên mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế, vừa là mô hình điểm giúp thanh niên học hỏi kinh nghiệm, cùng tìm hướng thoát nghèo một cách bền vững trong tương lai.

Hiện nay, Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội do đoàn thanh niên xã đứng ra quản lý đã lên đến 7 tỷ đồng, cho 166 hộ dân vay vốn, trong đó có 97 hộ là thanh niên vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Việc triển khai vay vốn từ đoàn thanh niên xã đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển trang trại, cho nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Đoàn thanh niên xã Yên Phú sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn, hội trên địa bàn định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ