Phát triển học sinh toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ

GD&TĐ - Chiều 29/10, báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông”.

Toản cảnh buổi tọa đàm.
Toản cảnh buổi tọa đàm.

Dự tọa đàm có ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, bắt đầu với lớp 1. Đây là sự hiện thực hóa chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được quy định trong Nghị quyết 88/2014/QH13 (NQ 88) của Quốc hội.

Ở lần đổi mới này, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện mục tiêu giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho HS. Đây cũng lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một chương trình giáo dục một cách tổng thể, toàn diện (bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục), đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo mục tiêu giáo dục mới.

NQ 88 quy định cả nước thực hiện một CT GDPT thống nhất nhưng mềm dẻo và linh hoạt; chương trình là gốc, SGK chỉ có vai trò là tài liệu dạy học và có nhiều SGK cho mỗi môn học. Đây cũng là lần đầu tiên việc biên soạn SGK ở nước ta được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, để các tổ chức, cá nhân được tham gia vào quá trình này.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: NQ 88 được coi là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết 29 để chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. NQ 88 có mục tiêu rất rõ đó là chuyển đổi cơ bản phương thức, mục tiêu từ dạy kiến thức sang phát triển năng lực của HS, từ dạy chữ sang dạy người. Mục tiêu là để phát triển HS toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, phải tận dụng được nguồn nhân lực đó cho giai đoạn phát triển mới của đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chính vì vậy, nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn phát triển mới là rất cần thiết.

Với yêu cầu mới phải đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, chúng ta sẽ hy vọng tạo ra được thế hệ công dân tương lai đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

GV lớp 1 nêu ý kiến tại buổi tọa đàm.
GV lớp 1 nêu ý kiến tại buổi tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu rõ: Việc thực hiện NQ 88 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng. Về phía chỉ đạo với toàn ngành, xác định mục tiêu của Nghị quyết 88 có nhiều đổi mới, trong đó đặc biệt việc thực hiện đổi mới thống nhất cả nước dùng 1 chương trình và mỗi một môn học có một số SGK.

Chính vì vậy, từ khi có NQ 88 năm 2014, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo với các nhà trường, đặc biệt là việc thực hiện chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Cụ thể, đổi mới từ việc xây dựng nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá và đổi mới công tác quản lý nhà trường theo hướng từ quản lý sang quản trị để giúp cho nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo đảm bảo chất lượng hướng tới quản lý chất lượng đầu ra.

Về chỉ đạo biên soạn chương trình, Bộ GD&ĐT đã thành lập ban biên soạn xây dựng chương trình với những nhà khoa học uy tín. Theo đó, phải xây dựng sơ đồ ngược, bắt đầu từ chuẩn đầu ra, hướng tới hình ảnh HS Việt Nam tương lai ít nhất phải tập trung 5 phẩm chất cốt lõi (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm); 10 năng lực cơ bản với 3 năng lực quan trọng (tự học và tự chủ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực chuyên môn.

Từ mục tiêu đó, ngành GD xây dựng chương trình tổng thể đưa ra từ quan điểm xây dựng chương trình mục tiêu đến nội dung cơ bản yêu cầu cần đạt, đến phương pháp giảng dạy, cách đánh giá và các điều kiện để đảm bảo thực hiện…

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất ý kiến, Nghị quyết 88 tuy chỉ đề cập đến đổi mới chương trình - SGK GDPT nhưng thực chất là tác động to lớn đến toàn bộ nền giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên, chúng ta thực hiện giáo dục với mục tiêu phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS. Sự đổi mới này mang đến cho chúng ta kỳ vọng vào một thế hệ HS tương lai, tự tin, chủ động, hiểu biết và hội nhập.

Trong thời gian tới, để bảo đảm các điều kiện thực hiện thành công NQ 88, ông Phạm Tất Thắng nêu ý kiến, Chính phủ quan tâm ban hành thêm các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, NQ 88 để các nội dung của Luật, Nghị quyết đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền các nội dung của Luật Giáo dục 2019, mục tiêu của chương trình SGK mới.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành quan tâm huy động đủ nguồn lực cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện tốt CT GDPT mới; chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp Bộ GD&ĐT đảm bảo đủ nguồn lực con người, đủ GV đáp ứng chương trình mới; chỉ đạo các địa phương có nhận thức đúng để triển khai nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả NQ 88…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.