Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu là lãnh đạo một số Ủy ban Quốc gia, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, viện nghiên cứu khoa học, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp,…
Giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Hệ thống này có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho người lao động học tập nghề nghiệp suốt đời, thúc đẩy và nâng cao kỹ năng nghề để khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu việc làm của thị trường lao động và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế.
Để có cơ sở lý luận và thực tiễn, các đại biểu tại hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung như: Đánh giá tổng quan về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt của Việt Nam; Làm rõ khái niệm, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt;
Phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động; Đa dạng hóa các phương thức đào tạo, tăng cơ hội học nghề, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; Kinh nghiệm quốc tế khi vận dụng vào Việt Nam; Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0...
Kết quả và khuyến nghị của hội thảo là những thông tin hữu ích cho việc xây dựng các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, pháp luật về lao động, việc làm, xây dựng kế hoạch hành động cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm.