Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng chờ sự bứt phá từ mỗi cơ sở GD đại học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều vấn đề đặt ra về xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam...

Sinh viên Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: Website nhà trường

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin về kết quả kiểm định chất lượng 122 cơ sở giáo dục ĐH và 899 chương trình đào tạo. Từ đó cho thấy vấn đề đáng quan tâm về xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.

183/241 cơ sở giáo dục ĐH thực hiện kiểm định

- Ông nhận xét như thế nào về kết quả kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH?

- Trước khi nói về kết quả, tôi muốn lưu ý 2 vấn đề, đó là: Điểm số đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí thống kê mới chỉ phản ánh hiện tượng nhưng chưa cho thấy được nguyên nhân, cần tìm hiểu và phân tích mới có được cách nhìn toàn diện; cần xuất phát từ một số quy định liên quan tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH (Thông tư 12).

Cụ thể, theo Điều 46 của Thông tư 12, có 3 điều kiện công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Thứ nhất, đã có ít nhất một khóa người học tốt nghiệp. Thứ hai, được đánh giá ngoài và có văn bản đề nghị tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Thứ ba, cơ sở giáo dục có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng mục tại Chương II Thông tư 12 (bảo đảm chất lượng về: Chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng, kết quả hoạt động đầu ra) đều đạt từ mức 3,5/7 điểm trở lên và không tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.

Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục bao hàm tất cả hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH. Các tiêu chí được đánh giá theo 7 mức tương ứng với thang đo từ 1 đến 7 điểm. Trong đó, tiêu chí được đánh giá ở mức 4 là đạt khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu: Thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo chất lượng; có minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành đầy đủ; thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng đem lại kết quả đúng như mong đợi.

Tính đến nay, 183/241 cơ sở giáo dục ĐH (không bao gồm 35 cơ sở giáo dục khối Công an, Quân đội và 13 trường CĐ sư phạm) thực hiện kiểm định, chiếm 76% tổng số cơ sở giáo dục ĐH. Điều này thể hiện kết quả và nỗ lực của các trường trong bảo đảm chất lượng giáo dục.

Qua thống kê cho thấy, trong các cơ sở đạt kiểm định theo quy định, có 47/122 cơ sở giáo dục (chiếm 38,5%) thuộc nhóm có 2 - 10 tiêu chí chưa đạt mức 4 còn lại đều đạt mức từ 4 điểm trở lên; 75/122 cơ sở giáo dục ĐH (chiếm 61,5%) có trên 10 tiêu chí chưa đạt mức 4 điểm. Cần nói rõ thêm mức 3,5 mới là mức khởi đầu để xem xét đạt trên thang điểm 7, hầu hết cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định đạt nhưng phần nhiều dao động ở mức trên 3,5 - 4,0/7.

Thống kê kết quả đánh giá trung bình theo từng lĩnh vực đảm bảo chất lượng tại 122 cơ sở giáo dục ĐH cũng cho thấy, chỉ có 1 lĩnh vực đạt điểm trung bình từ 4 (đảm bảo chất lượng về chiến lược), 3 lĩnh vực còn lại đều chỉ đạt trung bình tính theo tiêu từng chuẩn ở mức xấp xỉ 4 điểm.

Tính trung bình theo từng tiêu chuẩn, 11 tiêu chuẩn có điểm đánh giá từ mức 4 trở lên. Các tiêu chuẩn có điểm đánh giá tính trung bình còn thấp, như: Tiêu chuẩn 3 (lãnh đạo và quản lý); tiêu chuẩn 4 (quản trị chiến lược); tiêu chuẩn 11 (hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng); tiêu chuẩn 13 (tuyển sinh và nhập học); tiêu chuẩn 14 (thiết kế và rà soát chương trình dạy học); tiêu chuẩn 16 (đánh giá người học); tiêu chuẩn 19 (quản lý tài sản trí tuệ); tiêu chuẩn 23 (kết quả nghiên cứu khoa học) chưa đạt yêu cầu tối thiểu - 4 điểm.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương.

Chênh lệch giữa kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài

- Vậy kết quả kiểm định của các chương trình đào tạo thì sao, thưa ông?

- Điều kiện và quy trình để công nhận một chương trình đào tạo đạt yêu cầu được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH (Thông tư 04) và Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT ban hành quy định về quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường ĐH, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (Thông tư 38).

Cụ thể, Khoản 2 Điều 4 Thông tư 04 quy định: Các tiêu chí được đánh giá từ mức 1 - 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 - 7 là đạt yêu cầu. Khoản 4 Điều 23 Thông tư 38 quy định: Chương trình đào tạo có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất 50% nội dung đạt yêu cầu theo kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của Hội đồng kiểm định.

Phân tích kết quả kiểm định chương trình đào tạo cho thấy: Các tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (tiêu chuẩn 6), đội ngũ nhân viên (tiêu chuẩn 7), người học và hoạt động hỗ trợ (tiêu chuẩn 8) đạt điểm trung bình theo tiêu chuẩn mức 4/7 điểm trở lên chiếm phần nhiều.

Riêng tiêu chuẩn 4 (phương pháp tiếp cận trong dạy và học), tiêu chuẩn 9 (cơ sở vật chất trang thiết bị), tiêu chuẩn 11 (kết quả đầu ra) có điểm tiệm cận mức 4 và cần cải tiến mới đạt được mức 4. Nhóm tiêu chuẩn về phát triển chương trình đào tạo tính trung bình vẫn còn các tiêu chí 1, 2, 5 phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu (4 điểm). Tính trung bình theo tiêu chuẩn, 8/11 tiêu chí đạt mức dưới 4. Tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 2 có 368/899 chương trình đào tạo được đánh giá chưa đạt yêu cầu của mức 4.

Ngoài ra có sự chênh lệch giữa kết quả tự đánh giá của cơ sở giáo dục và đánh giá ngoài, cho thấy một trong số nguyên nhân chính do năng lực tự đánh giá của đội ngũ bảo đảm chất lượng mỗi trường chưa đồng đều.

Cần rà soát hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong

- Ông có khuyến cáo gì đến các cơ sở giáo dục ĐH từ những kết quả trên?

- Nhìn chung, kết quả cho thấy việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam đã cải thiện đáng kể theo quá trình; công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài được quan tâm và bước đầu triển khai đồng bộ tại các cơ sở giáo dục.

Nhiều đơn vị đã đầu tư nguồn lực, bao gồm nhân lực được đào tạo bồi dưỡng và nguồn lực tài chính để tạo nên bứt phá trong việc xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng cấp cơ sở giáo dục; đáp ứng yêu cầu triển khai các quy trình bảo đảm chất lượng theo chu trình P-D-C-A (Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Điều chỉnh).

Tuy nhiên, các trường cần rà soát hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; quản lý, sử dụng hiệu quả dữ liệu đánh giá để cải tiến chất lượng dựa trên phân tích, đối sánh; xây dựng văn hóa chất lượng, thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng theo chu trình P-D-C-A.

Đồng thời, rà soát và điều chỉnh chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo và sắp đến là chuẩn cơ sở giáo dục ĐH; tạo ra hệ sinh thái học tập và nghiên cứu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa sinh viên, giảng viên và đối tác.

Trong thời gian tới, cần có chính sách để thúc đẩy cơ sở giáo dục ĐH sớm hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, như: Xây dựng khung bảo đảm chất lượng giáo dục; đánh giá tác động bảo đảm tính đồng bộ trong ma trận xây dựng chính sách; sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư 12, Thông tư 04 và Thông tư 38 liên quan đến quy trình, chu kỳ và bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Mục tiêu chung là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 là hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu, điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.