Lào Cai: 3 giải pháp đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp

GD&TĐ -Thông tin từ Sở GD&ĐT Lào Cai cho thấy, công tác phân luồng, hướng nghiệp đối với học sinh THCS, THPT trong 2 năm 2020, 2021 đã có những chuyển biến tích cực.

Số học sinh tốt nghiệp THPT học Đại học giảm xuống. Ảnh minh họa
Số học sinh tốt nghiệp THPT học Đại học giảm xuống. Ảnh minh họa

Công tác phân luồng, hướng nghiệp năm 2020, 2021 cho thấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề năm 2020, 2021 đã tăng lên nhưng để phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu (từ 35-40% đối với học sinh tốt nghiệp THCS, từ 40-45% đối với học sinh tốt nghiệp THPT) cần sự quyết liệt, tích cực của các cấp các ngành nói chung, ngành Giáo dục nói riêng trong công tác hướng nghiệp, phân luồng.

Đặc biệt các Phòng GD&ĐT phải phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn quyết liệt hơn nữa công tác phân luồng, hướng nghiêp đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

Ông Lê Mạnh Trường, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lào Cai cũng cho biết những khó khăn trong công tác này: Đó là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học năm 2020, 2021 vẫn chiếm ở mức cao (năm 2020 chiếm 16,03%; năm 2021 chiếm 15,12%).

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT lao động trực tiếp, chưa tham gia các loại hình đào tạo chiếm tỉ lệ cao (năm 2020 là 31,45%, năm 2021 là 25,30%).

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề các trình độ còn thấp so với trung bình cả nước ở thời điểm hiện tại và so với mục tiêu tại Quyết định 522 của Chính phủ, Quyết đinh 2567 của UBND tỉnh Lào Cai.

Nhìn chung, từ số liệu của phân luồng, hướng nghiệp trong năm 2020, 2021 tỉnh Lào Cai cho thấy dù còn khó khăn, hạn chế song đã có sự chuyển biến tích cực. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tương đương giảm. Số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2020, 2021 học nghề các trình độ tăng dần (trong đó có cả TT GDTX): 4.903/24.351- 20,13%.

Học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề ngắn hạn, học nghề trình độ Trung cấp, Cao đẳng tăng lên; số lượng học sinh tốt nghiệp THPT học nghề các trình độ năm 2020, 2021 đạt 34,61%.

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề các trình độ tăng dần
Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề các trình độ tăng dần 

Năm 2022 đã được ngành Giáo dục Lào Cai đặt mục tiêu mới cho công tác phân luồng đó là học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên cấp THPT dao động từ 60-65%. Học sinh tốt nghiệp THCS phấn đấu học nghề các trình độ đạt 25% (trong đó tính cả học sinh học tại các trung tâm GDTX).

Số học sinh tốt nghiệp THPT học Đại học giảm xuống còn 30-32%. Phấn đấu học nghề các trình độ đạt 37-39%. Giảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học xuống còn 10%; giảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT lao động trực tiếp xuống còn 15%.

Ông Lê Mạnh Trường cho biết, để đạt mục tiêu đề ra ngành Giáo dục đã đưa ra 3 giải pháp. Trước hết, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị trong công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các loại hình học tập; nâng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề các trình độ.

Chỉ đạo quyết liệt công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh, phấn đấu đến năm 2025 đạt được mục tiêu HS tốt nghiệp THCS, THPT học nghề các trình độ đạt mục tiêu giao tại Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 19/8/2019 của UBND tỉnh.

Thứ hai, các đơn vị trường học sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; tuyên truyền cho học sinh về yêu cầu đối với lao động qua đào tạo để nâng cao chất lượng cũng như tạo thu nhập. Định hướng phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, xây dựng thương hiệu để phát triển và thu nhập bền vững.

Cuối cùng đó là các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho HS. Đặc biệt, cần có sự kết nối giữa đào tạo với giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để thu hút người học.

Mục tiêu công tác phân luồng, hướng nghiệp đến năm 2025 của ngành Giáo dục Lào Cai:

Đối với học sinh tốt nghiệp THCS: 40% học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Học sinh tốt nghiệp THPT: 45% học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ